Bài toán ‘trắng’ nhà văn hóa nhiều nơi
Phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình) có 7 tổ dân phố, với gần 10.000 dân, nhưng cả 7 tổ dân phố, chỉ có duy nhất một trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Song khu sinh hoạt này cũng không đủ diện tích, lại thiếu trang thiết bị nên chưa đủ chuẩn để trở thành nhà văn hóa, chỉ có người dân tổ 1 và 2 chung nhau sử dụng.
Những khu dân cư khác hiếm khi có mặt, do khoảng cách xa. Người dân thường phải đi mượn địa điểm, đôi khi cả Trạm y tế phường cũng được dùng tạm làm nơi hội họp, tập luyện văn nghệ.
Thực trạng thiếu nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng diễn ra nhiều năm nay tại Hà Nội. Theo báo cáo của UBND TP, đến tháng 3/2022, có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố; 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện.
Hiện nay, toàn thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24%. Trong đó, có 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97%; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (mới đạt tỷ lệ 65,5%).
25/30 quận, huyện, thị xã có nhà văn hóa cấp huyện. 5 đơn vị chưa có gồm: Chương Mỹ, Mê Linh, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm.
Đáng lưu ý, 4/18 huyện, thị xã (Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa) và 5/12 quận (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông) chưa có một trung tâm văn hóa xã, phường nào. Như vậy, 9/30 quận, huyện của thành phố “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã.
Bên cạnh đó, trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị; hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp không bảo đảm điều kiện sinh hoạt…
Là một trong 4 huyện chưa có một trung tâm văn hóa xã nào, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện nay đã xây dựng xong 84/99 nhà văn hóa thôn tổ dân phố, năm nay sẽ tập trung hoàn thiện 15 nhà văn hóa thôn còn lại.
Về xây dựng các nhà văn hóa cấp xã, huyện có 16 nhà văn hóa do liên quan điều chỉnh phân khu, nên chậm. Dự kiến 2 năm tới, huyện sẽ đầu tư 12 nhà văn hóa cấp xã; các nhà văn hóa còn lại sẽ được xây dựng tiếp trong năm 2025.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin, huyện có 129 thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, trong đó, xây dựng mới 63 nhà văn hóa thôn với số tiền 130 tỷ đồng, nâng cấp 22 nhà văn hóa thôn với số tiền 10 tỷ đồng.
Mới đây, huyện đã phê duyệt danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho trên 10.000m2 để xây dựng nhà văn hóa với nguồn lực 80 tỷ đồng. Hiện nay, có 3 nhà văn hóa do tách thôn nên còn thiếu, huyện phấn đấu đến năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở được thành phố quan tâm. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó, 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án. Các thiết chế văn hóa được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu; công tác quản lý, sử dụng các thiết chế còn một số bất cập.
Về nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, công tác lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng chính quyền về hoàn thiện, sử dụng và khai thác các thiết chế văn hóa tại một số nơi chưa quyết liệt, chưa đúng mức; việc phối hợp các sở ngành còn chưa tích cực.
Về nguồn kinh phí để thực hiện việc vẫn còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nguồn ngân sách cấp huyện để đầu tư thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng đều, đồng bộ; huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế…
Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế, xu thế phát triển văn hóa có sự thay đổi, một số thiết chế không còn phù hợp, không thu hút được đông đảo người dân tham gia. Quỹ đất tại các khu vực nội thành còn hạn chế…
Về giải pháp, ông Chử Xuân Dũng cho hay, thời gian tới, UBND TP tiếp tục tăng cường tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở. Tập trung nguồn lực từ ngân sách TP, huy động nguồn lực xã hội trong công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn TP.
Tập trung ban hành cơ chế chính sách cho thiết chế văn hóa phù hợp với thực tế, chú trọng khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp đầu tư vào các thiết chế văn hóa, ban hành quy chế khai thác và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa cấp xã, nhà văn hóa thể thao thôn trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hoàn thiện tổ chức bộ máy, công tác quản lý các hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ từ thành phố đến cơ sở…
Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu, trong giai đoạn 2022-2026, toàn thành phố có 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 86-88% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận tổ dân phố văn hóa; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa hàng năm. |
H.Q