Sản xuất công nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Theo các số liệu và đánh giá của Cục thống kê Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu.
Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất đã có tác động làm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 0,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, công nghiệp đã tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1% và tăng 1,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,2% và tăng 6,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 1,4% và tăng 2,9%; ngành khai khoáng giảm 11,2% và giảm 10,5%.
Theo Cục thống kê Hà Nội, tính chung 8 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6%; công nghiệp khai khoáng giảm 5,1%.
Trong 8 tháng năm 2023, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,8%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 7%; sản xuất thuốc lá tăng 6,8%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị tăng 20,1%.
Các ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 26,7%; dệt giảm 5,5%; sản xuất trang phục giảm 4,3%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 3,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 1,9%; Sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại cùng giảm 1,8%; in, sao chụp bản ghi giảm 1,3%.
Triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy phục hồi tăng trưởng
Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghiệp đạt chỉ tiêu đề ra, Thành phố vừa có chỉ đạo về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023.
Theo đó, UBND TP giao Sở Công thương làm tốt công tác thông tin thị trường. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh...; tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP...)...
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho; kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm...
Thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xúc tiến các sản phẩm đưa vào kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nhất là các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình nhà máy thông minh, sản xuất xanh.
TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, tập trung tháo gỡ, triển khai các giải pháp, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu khởi công 20 cụm công nghiệp trong năm 2023, đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn...