Các nền tảng hỗ trợ chống dịch bước đầu phát huy hiệu quả
UBND thành phố Hà Nội mới đây đã yêu cầu Sở TT&TT, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) đẩy mạnh triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Sở TT&TT và Sở Y tế được yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai 2 nền tảng: Khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người vào ra địa điểm công cộng bằng quét QR Code, Quản lý tiêm chủng Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ TT&TT và UBND thành phố.
Riêng với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, Sở TT&TT được giao chủ trì, thống nhất với Sở Y tế và CDC Hà Nội khẩn trương thực hiện thí điểm, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc, trước khi báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định triển khai diện rộng. Được biết, hiện Hà Nội đang thí điểm ứng dụng nền tảng này tại quận Đống Đa.
“Khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người vào ra địa điểm công cộng bằng quét QR Code”, “Hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến” và “Quản lý tiêm chủng Covid-19” là 3 nền tảng công nghệ đã được Bộ TT&TT và Bộ Y tế xác định là những nền tảng bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng chống dịch Covid-19.
Việc lựa chọn và triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ dùng chung bắt buộc là nhiệm vụ 2 Bộ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 78 ngày 20/7.
Để triển khai hiệu quả 3 nền tảng tại các địa phương, Bộ TT&TT đã đề nghị các tỉnh, thành phố thành lập Tổ công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 với nòng cốt là 2 Sở Y tế, TT&TT. Đến nay, các nền tảng này đã được nhiều tỉnh, thành phố triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực trong phòng chống dịch Covid-19.
Nền tảng hỗ trợ quản lý xét nghiệm Covid-19 giúp giảm tối thiểu 50% thời gian lấy mẫu, hạn chế tụ tập đông người. |
Đơn cử, nền tảng hỗ trợ quản lý xét nghiệm đã triển khai tại Tây Ninh, Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bà Rịa – Vũng Tàu… và đang có 26 địa phương khác chuẩn bị áp dụng. Nền tảng giúp giảm tối thiểu 50% thời gian lấy mẫu, tăng tính chính xác của dữ liệu do cán bộ xét nghiệm không phải nhập liệu thủ công và đặc biệt là người dân được trả kết quả điện tử, nhờ đó hạn chế tụ tập.
Với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai trên toàn quốc, nền tảng đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại nhiều địa phương; cho phép người dân đăng ký, lên lịch tiêm qua ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử; từ đó giúp ngành y tế lên kế hoạch tiêm, phân phối vắc xin và hình thành hồ sơ sức khỏe toàn dân.
Đến hết ngày 25/8, trên toàn quốc tổng số mũi tiêm đã cập nhật lên nền tảng quản lý tiêm chủng là hơn 14,2 triệu mũi; tỷ lệ tổng mũi tiêm trên nền tảng/ tổng mũi tiêm thực tế là 80,4%; và tổng số thuê bao đã cài ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử là trên 3,2 triệu.
Việc ứng dụng nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code đang giúp nhiều địa phương truy vết nhanh, khi có trường hợp F0 sẽ phát hiện được danh sách các địa điểm công cộng F0 đã đến. Theo thống kê, đến hết ngày 25/8, toàn quốc đã có hơn 1,2 triệu điểm đăng ký.
Sở TT&TT làm đầu mối triển khai các nền tảng công nghệ
Trong văn bản gửi các Sở TT&TT, Sở Y tế và CDC Hà Nội mới đây, UBND thành phố đã giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất về việc thành lập Tổ công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội, đảm bảo không trùng lặp nhiệm vụ với các Tổ chuyên môn của Sở chỉ huy thành phố.
Sở TT&TT cũng được yêu cầu chủ động cử đầu mối phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia để thực hiện nhiệm vụ của thành phố.
Với vai trò là đơn vị được thành phố giao làm cơ quan thường trực việc triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ phòng chống dịch, Sở TT&TT cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia và các doanh nghiệp công nghệ triển khai mạnh mẽ các nền tảng công nghệ phòng chống dịch.
Các nền tảng công nghệ đang được triển khai tại Hà Nội gồm có: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Hệ thống quản lý phân luồng F0, F1 và ứng dụng giám sát camera toàn diện các khu cách ly F1 và khu điều trị thu dung F0, qua đó đã giúp cho công tác phòng chống dịch được kiểm soát tốt hơn.
Đặc biệt, từ đợt thứ 4 dịch Covid-19 bùng phát, Sở TT&TT đã tiếp nhận, phân tích dữ liệu trên Bluzone và Tokhaiyte. Tính đến ngày 26/8, Hà Nội có tổng số hơn 5,1 triệu tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm.
Từ hệ thống dữ liệu này, bộ phận chuyên trách của Sở TT&TT đã phân tích và bóc tách, với hàng trăm người khai báo có biểu hiện ho, sốt, khó thở mỗi ngày để gửi về Sở Y tế thành phố và các quận, huyện, thị xã để kịp thời tiến hành xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện các ca F0, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội ngày 16/8, qua giám sát 13.579 trường hợp ho, sốt từ các ứng dụng Bluezone, tokhaiyte cung cấp, thành phố đã ghi nhận 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Số ca F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.
Vân Anh
40% F0 được Hà Nội phát hiện qua sàng lọc từ dữ liệu khai báo y tế điện tử
Qua giám sát 13.579 trường hợp ho, sốt từ dữ liệu khai y tế điện tử và phản ánh của người dân trên các nền tảng phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, chiếm 40% số F0 của thành phố đợt này.