Cần xây dựng tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia về dữ liệu
Theo báo cáo được hãng nghiên cứu thị trường Statista công bố, đến năm 2020 quy mô doanh thu của thị trường dữ liệu lớn toàn cầu đạt 56 tỷ USD, tăng khoảng 33,33% so với mức dự kiến vào năm 2018 và tăng gấp đôi quy mô doanh thu năm 2016.
Quy mô doanh thu tổng thể của thị trường dữ liệu lớn toàn cầu tăng khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, ước đạt 64 tỷ USD đến hết 2021 và sẽ chạm mức 90 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 14%/năm.
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, dữ liệu không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi là một công cụ phục vụ cho quản lý, điều hành mà đã hình thành một thị trường trong nền kinh tế dữ liệu, đóng vai trò quan trọng với sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, song hành cùng sự phát triển của kinh tế số.
Báo cáo cơ sở hạ tầng số và nguồn dữ liệu châu Âu (2020) cũng đã khẳng định dữ liệu là “trái tim” của quá trình chuyển đổi số và là yếu tố then chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Rõ ràng, dữ liệu là gốc, là cơ sở để xây dựng các ứng dụng, các nền tảng kết nối trung gian cùng chia sẻ, cập nhật trên bộ dữ liệu sử dụng chung.
Theo các chuyên gia, các nước đều đã quan tâm đến việc xây dựng và làm giàu dữ liệu từ rất sớm, xác định dữ liệu là yếu tố then chốt để phát triển CNTT. |
Từ kết quả tổng hợp chiến lược dữ liệu của một số quốc gia điển hình như Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc... các chuyên gia đã chỉ ra rằng: Các nước đều quan tâm đến việc xây dựng và làm giàu dữ liệu từ rất sớm, xác định dữ liệu là yếu tố then chốt để phát triển CNTT.
Và để làm được, kinh nghiệm là cần xây dựng tầm nhìn chiến lược cấp quốc gia, xác định được trọng tâm các lĩnh vực triển khai và có kế hoạch hành động cụ thể, lộ trình rõ ràng cho việc phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia và huy động các nguồn lực vào triển khai.
Cùng với đó, cần ưu tiên mọi nguồn lực để hình thành và củng cố, làm giàu dữ liệu, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia như dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, y tế, các dữ liệu về thuế, tài chính, giao thông, việc làm... Khuyến khích sử dụng dữ liệu công cộng và triển khai trên diện rộng, đảm bảo cơ sở dữ liệu quốc gia được chia sẻ, sử dụng chung giữa các cơ quan, có tiêu chí, chỉ số và công cụ đánh giá tính hiệu quả.
Đồng thời, các quốc gia còn cần phải hình thành các cơ quan chủ quản chuyên biệt quản lý về dữ liệu; triển khai xây dựng dữ liệu lớn Big data là xu thế tất yếu và cần phải làm một cách đồng bộ, theo một lộ trình bài bản bên cạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia
Tại Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020, đã xác định 3 trụ cột chính của chuyển đổi số gồm Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Để phát triển được cả 3 trụ cột này thì hạ tầng dữ liệu, bên cạnh việc là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế số, mở ra nền kinh tế dữ liệu, còn phục vụ cho việc phát triển xã hội số và đồng thời là hạ tầng thiết yếu để phát triển Chính phủ số. Hay nói cách khác, dữ liệu không còn chỉ được nhìn nhận như một dạng tài nguyên hay nhiên liệu nữa, mà dữ liệu đã được khẳng định là hạ tầng số, là yếu tố không thể thiếu để từ đó xây dựng nên các trụ cột của quá trình chuyển đổi số.
Đáng chú ý, mới đây, trong phát biểu khai mạc ITU Digital World 2021 vào ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam coi hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số quốc gia là yếu tố then chốt và đang nỗ lực tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
Đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ nhắc đến tầm quan trọng của hạ tầng dữ liệu trong chuyển đổi số. Quyết tâm điều hành dựa trên dữ liệu số đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển thành hành động cụ thể, thông qua việc ngày 11/9 ra quyết định ban hành danh mục các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Theo đó, danh mục thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được quy định rõ với 38 nội dung nội dung, phân theo 7 nhóm thông tin, dữ liệu gồm: Kinh tế tổng hợp; Kinh tế ngành; Khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội; Nội chính, hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, an ninh, quốc phòng, đối ngoại; Kinh tế - xã hội địa phương; Phát triển doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Nhà nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã; Phục vụ chỉ đạo điều hành đối với các nhiệm vụ cấp bách, khẩn cấp quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan cung cấp, kết nối thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, bên cạnh 2 yếu tố đã trở nên quen thuộc, thường được nhắc đến là hạ tầng số và các nền tảng số quốc gia, yếu tố then chốt thứ 3 - Hạ tầng dữ liệu đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Trước đó, tại thời điểm cuối tháng 8/2021, cùng với việc giao Bộ TT&TT thông xây dựng Trung tâm chỉ huy và hệ thống họp trực tuyến phục vụ chỉ đạo, điều hành trực tiếp xuống các “pháo đài” chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu những số liệu thời gian thực của các nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 phải được đưa về Trung tâm chỉ huy này.
Ở đây, sự kết hợp đồng bộ giữa 3 yếu tố: Hạ tầng viễn thông (mạng 4G, 5G, mạng Internet), các Nền tảng số quốc gia về phòng chống Covid-19, và Hạ tầng dữ liệu (phát triển trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư) đã giúp Việt Nam tạo ra sức mạnh chuyển đổi số, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Việc Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cung cấp, kết nối thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thể hiện sự đổi mới và dịch chuyển theo định hướng chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Vân Anh
Nét mới trong chỉ đạo và thực thi chống dịch Covid-19
Việc Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo trực tuyến đến tận cấp xã, phường được nhận định mang đến nét mới trong chỉ đạo và thực thi chống dịch, làm “phẳng hóa” công tác chống dịch, thông tin giữa Trung ương và địa phương được kịp thời, thông suốt.