“Lộ thông, tài thông” là câu nói quen thuộc của thời mở cửa: có đường lộ, con người đi lại thuận lợi, hàng hóa vận chuyển dễ dàng, công việc làm ăn của người dân mới có thể phát triển, của cải vật chất cũng như đời sống người dân mới dồi dào lên. Như vậy muốn phát triển một vùng đất nào đó, việc đầu tiên phải làm là “Lộ” phải thông.
Lộ trong một con người là hướng tư duy, là chọn cách sống, là nghề nghiệp mưu sinh… Lộ của một xã hội, quốc gia là văn hóa của xã hội đó, là đường lối chủ trương chính sách của quốc gia đó… Lộ của đời sống kinh tế là hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy, đường hàng không…), hệ thống thông tin, hệ thống mạng lưới dịch vụ thương mại, hệ thống tài chính tín dụng… Đó là những hệ thống phục vụ cho việc vận hành nền kinh tế xã hội đó.
Đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, một vùng, một địa phương, một huyện, một xóm, thôn, buôn, làng... hệ thống giao thông đường bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định, vì sẽ quyết định những yếu tố quan trọng khác như: (1) Sự phân bổ dân cư, mạng lưới an sinh xã hội, y tế giáo dục, v.v…; (2) quyết định cơ cấu và phân vùng kinh tế, đồng thời cũng chỉ ra vùng nào ưu tiên phát triển, là bộ xương của nội dung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và (3) là cơ sở của các hệ thống khác như hệ thống đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bến cảng, cửa khẩu, sân bay, hệ thống cấp năng lượng, thông tin, cấp nước, thoát nước…
Hệ thống giao thông đường bộ như móng nhà, sự phát triển kinh tế xã hội phải dựa vào nền móng này xây lên. Nếu không sẽ bị đổ vỡ.
Từ thực tế dễ thấy nhất tại các vùng nghèo nàn, lạc hậu- nơi mà hạ tầng cơ sở vật chất phát triển chậm và không đồng bộ theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, điều đó ảnh hưởng tới giao lưu, tới thông thương.
Bởi vậy, để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, một trong những tiêu chí quan trọng là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn. Tuy nhiên thực tế, giai đoạn trước năm 2010, hệ thống đường giao thông nông thôn (bao gồm đường huyện trở xuống) chưa được quan tâm đúng mức. Một số loại đường như: Ngõ xóm, nội đồng... chưa được xem xét, đánh giá, chiều dài cũng như tỷ lệ cứng hóa còn rất thấp.
Số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, chiều dài đường giao thông nông thôn năm 2010 là 270.950km, cứng hóa được hơn 101.800km, chỉ đạt 37,6%. Có 143 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 331 xã đã có đường ô tô nhưng chưa được kiên cố hóa, chưa đi lại được bốn mùa, còn bị gián đoạn khi có thiên tai, mưa lũ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Đường nông thôn nhiều nơi chỉ có một làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, công tác bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Nhìn chung, chất lượng đường giao thông nông thôn ở nhiều địa phương chưa cao, chưa tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Trong đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan, kêu gọi các nguồn vốn, triển khai các đề án, chương trình về giao thông nông thôn. Các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng dẫn của Bộ GTVT, tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo vệ hạ tầng giao thông nông thôn, bảo đảm an toàn giao thông trong phạm vi địa phương.
Yến Hưng