Cách đây ít năm, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh đã xây dựng phần mềm “Bản đồ số nông thôn mới Hà Tĩnh”. Qua bản đồ số, người xem sẽ tiếp cận được bức tranh chung về tiến độ đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí chung.
Theo mô tả, màu đỏ là những xã đã đạt chuẩn kiểu mẫu. Màu vàng là những xã đạt 20 tiêu chí. Màu xanh cho những xã đạt từ 16 đến 19 tiêu chí. Màu xám cho những xã đạt 12 đến 15 tiêu chí. Màu xám nhạt cho những xã dưới 12 tiêu chí.
Bản đồ có nhiều lớp để dễ dàng tìm kiếm thông tin, như: Lớp đường giao thông, lớp thông tin chung, lớp các vườn mẫu, lớp các sản phẩm đặc trưng, chủ lực. Từ dữ liệu của các thôn, người xem sẽ có được thông tin chung của toàn xã, toàn huyện và tổng hợp thành thông tin chung toàn tỉnh.
Theo một người dân ở Hà Tĩnh, “Bản đồ số nông thôn mới Hà Tĩnh” thực sự là phần mền hữu ích. Qua phần mềm này, người dân được xem cụ thể những mô hình, cách làm hay của xã bạn để học tập. Ngược lại, những kết quả thành công trong xây dựng nông thôn mới của địa phương cũng được chia sẻ rộng rãi trên không gian mạng Internet để các đơn vị, địa phương khác đến tham quan, học tập.
Bên cạnh đó, bản đồ số cũng là công cụ để người dân Hà Tĩnh thực hiện vai trò giám sát của mình trong việc xây dựng nông thôn mới càng thực chất, càng sát, càng hiệu quả. Người dân có thể cập nhật hình ảnh thực trạng về những công trình xuống cấp cần chỉnh trang, xây mới tới cơ quan chức năng.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh cho biết, để bắt nhịp công cuộc chuyển đổi số hiệu quả và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc cập nhật thông tin thường xuyên lên Bản đồ số nông thôn mới, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ngành nông nghiệp là một trong 6 lĩnh vực được ưu tiên.
Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số. Tập trung xây dựng dữ liệu lớn của ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất; thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai… Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm đảm bảo nhanh chóng, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đồng thời, chuyển đổi số trong quản lý để có chính sách, điều hành kịp thời như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch…
Xây dựng cơ sở dữ liệu nông thôn mới với một số tiện ích như: Kiểm tra thông tin cơ bản về kết quả thực hiện nông thôn mới, OCOP của tỉnh; phát hành thông tin về sản phẩm OCOP Hà Tĩnh thông qua quét mã QR Code; cập nhật thông tin lô sản xuất; hiển thị thông tin cơ sở sản xuất trên bản đồ số…
Đến nay, Hà Tĩnh là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới. Phần mềm Bản đồ số nông thôn mới Hà Tĩnh hiện đã cập nhật được kết quả thực hiện nông thôn mới các cấp từ tỉnh đến huyện, xã; đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng nông thôn mới như: Các trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu… Qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng một cách sâu rộng.
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh phối hợp với một số đơn vị về giải pháp công nghệ triển khai xây dựng phần mềm chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư nông thôn mới thông minh, xã nông thôn mới thông minh.
Theo đó, các tiện ích của chuyển đổi số trong nông thôn mới thông minh triển khai thí điểm trên địa bàn Hà Tĩnh tác động đến nhiều lĩnh vực như: trực tiếp quản lý nhà nước dịch vụ công cấp độ 3, cấp độ 4; tăng cường trao quyền và sự tham gia của công dân trong quản lý công; tác động đến công nghệ sản xuất (cảm biến môi trường, quan trắc tự động, nông nghiệp công nghệ cao, kiểm soát tưới tiêu tự động); tác động đến dịch vụ (dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, giáo dục đào tạo trực tuyến, thương mại điện tử)…