{keywords}
Công nhân trong một nhà máy chế biến gia cầm của JBS SA. (Ảnh: AP)

Một doanh nghiệp giết mổ gia súc dường như không phải mục tiêu hợp lý lắm để tấn công mạng. Tuy nhiên, cho đến khi bạn nhận ra chỉ một công ty bị hạ gục có thể làm lung lay nguồn cung bánh mì kẹp thịt và bít tết cho tất cả người Mỹ thì đã quá muộn.

Đó là bài học từ các vụ tấn công mã độc tống tiền gần đây nhằm vào JBS SA, công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới. Các nhà máy của JBS SA dừng hoạt động tại Mỹ đồng nghĩa với 1/4 năng lực chế biến thịt bò trong nước biến mất. Chưa kể, mới vài tuần trước, một trong các hãng nhiên liệu quan trọng của Mỹ là Colonial Pipeline cũng bị tin tặc “hỏi thăm”, chặn đứng 45% nguồn cung nhiên liệu Bờ Đông, đẩy giá xăng dầu lên cao và gây ra khủng hoảng tại một số khu vực.

Amit Yoran, CEO hãng bảo mật Tenable, cho biết, quy mô lớn kết hợp với thực tế hạ tầng không có khả năng phòng vệ cao khiến các hãng nói trên trở thành mục tiêu béo bở của tin tặc. Các tổ chức vận hành hạ tầng quan trọng mà người dân dựa vào đang ngồi trên “ghế nóng”, chỉ có một trong hai lựa chọn: trả tiền chuộc hoặc xử lý tổn thất kinh tế.

Không chỉ có các công ty sản xuất hàng hóa mà cơ quan công quyền, doanh nghiệp, tổ chức y tế cũng đối  mặt với các cụ tấn công lớn. Kế hoạch hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden bao gồm hàng tỷ USD nâng cao năng lực quốc phòng mạng. Dù vậy, những công ty thực phẩm, năng lượng lại đặc biệt “mong manh” vì họ không có lãnh đạo giàu chuyên môn công nghệ và không phòng vệ như các lĩnh vực khác.

Danny Jenkins, CEO hãng bảo mật ThreatLocker, nhận xét đây là các doanh nghiệp “kiểu cũ”. Kẻ xấu nhận ra nếu họ không có biện pháp bảo vệ hệ thống song lại có túi tiền đầy đặn.

Một quan chức Mỹ tiết lộ trong ngành công nghiệp chế biến thịt, Bộ Nông nghiệp không có yêu cầu hay quy định quản lý nào về an ninh mạng. Trong khi đó, JBS SA lại không có gì ngoài tiền. Nhu cầu protein bùng nổ giúp công ty này phá kỷ lục lợi nhuận vào quý I. Đặc biệt, JBS lại đóng vai trò không nhỏ tại thị trường Mỹ.

Ngành năng lượng cũng có rủi ro tương tự. Chỉ riêng Colonial Pipeline đã xử lý gần một nửa nhiên liệu tiêu thụ tại Bờ Đông. Khi sự cố xảy ra dẫn đến đóng cửa hệ thống, các trạm đổ xăng cạn kiện chỉ sau vài ngày.

Tin tặc hiểu rằng bất kỳ gián đoạn nào tại các “ông lớn” trong các ngành trọng yếu như năng lượng, thực phẩm đều gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng. Vì vậy, họ có xu hướng phải đáp ứng yêu cầu của tin tặc. Chẳng hạn, Colonial Pipeline phải trả 5 triệu USD tiền chuộc để lấy lại quyền kiểm soát đường ống.

Du Lam (Theo Bloomberg)

Mã độc tấn công vào công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới

Mã độc tấn công vào công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới

Vụ tấn công mã độc tống tiền vào JBS USA đã làm tê liệt nhiều cơ sở chế biến thịt trên thế giới, khiến hàng chục ngàn công nhân phải ở nhà.