Pháo phản lực phóng loạt (Multiple Launch Rocket System - MLRS) là loại nhiều nòng, có khả năng cùng lúc phóng số lượng lớn rocket không có điều khiển với hàng trăm kg thuốc nổ và gây ra sức sát thương khủng khiếp trên diện rộng.
Liên Xô trước đây là quốc gia đi đầu trong chế tạo các loại pháo phản lực phóng loạt. Trong đó, pháo phản lực BM-13 Katyusha (BM là cụm từ viết tắt tiếng Nga Boyevaya Mashina – Xe chiến đấu) là hệ thống phóng đạn phản lực đầu tiên trên thế giới, nổi tiếng trong chiến tranh Thế giới thứ 2.
Loại pháo này sử dụng đạn cỡ 132mm, được phóng đi từ giá đỡ những thanh ray gắn trên xe vận tải quân sự bánh hơi ZiS-5, tầm bắn 13km. Một xe có 8 ray phóng, trong một lần bắn, BM-13 Katyusha bắn được tổng cộng 16 quả đạn.
So sánh với các loại pháo khác thời kỳ này, pháo BM-13 có tốc độ bắn rất nhanh-chỉ trong khoảng thời gian từ 7 tới 10 giây. Một đại đội pháo BM-13 (6 xe phóng) có thể cày xới cả khu vực rộng đến 4 ha, san bằng công sự, phá nát các mục tiêu.
Từ sau chiến tranh, nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô lần lượt cho ra đời nhiều hệ pháo phản lực phóng loạt như BM-21 (Grad), BM-27 (Uragan), BM-30 (Smerch), Tornado-G và Tornado-S, trong đó, hai loại pháo Grad và Uragan đang được quân đội Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc chiến.
Pháo phản lực BM-21 Grad (Mưa đá)
Pháo phản lực BM-21 được đưa vào sử dụng từ năm 1963, dàn phóng có 40 ống phóng, phóng đạn cỡ 122mm, kíp chiến đấu 4 người. Các ống phóng có thể phóng từng ống hoặc phóng đồng loạt.
Kíp chiến đấu có thể trú trong cabin để bắn hoặc đứng từ xa và điều khiển qua đường cáp dài tới 64m. Đạn nạp bằng tay và phải mất khoảng 10 phút để lắp hết 40 ống phóng. Nhờ gắn vào xe tải hạng nặng-thường là xe 6 hoặc 8 bánh dùng động cơ xăng, nên BM-21 khá cơ động trong truy đuổi mục tiêu và tránh bị bắn trả.
Pháo BM-21 phát huy hiệu quả tốt trong việc bắn phá các mục tiêu trên diện rộng. Một tiểu đoàn pháo phản lực trang bị toàn BM-21 có thể đồng loạt bắn tới 720 quả đạn trong vòng 20 giây vào các mục tiêu trên một khu vực rộng, nên rất hữu hiệu để công kích đội hình bộ binh, các doanh trại đóng quân, điểm tập kết xe tăng và xe thiết giáp, tiêu diệt trận địa pháo, trận địa tên lửa và phá hủy hệ thống hầm hào bán kiên cố.
Tuy nhiên, BM-21 không phát huy hiệu quả nếu bắn mục tiêu nhỏ như lô cốt, xe tăng đỗ riêng lẻ (trừ khi dùng các loại đạn thông minh có độ chính xác cao nhưng lại có giá thành đắt).
Các phiên bản BM-21 đầu tiên có tầm bắn khoảng 20km. Đến cuối thập niên 1980, với việc cải tiến đạn rocket, BM-21 có thể đạt cự ly bắn tới 40km. Tới thập niên 2010, việc cải tiến đạn rocket đã cho phép tầm bắn tăng tới 52km thậm chí là 100km. Một số loại đạn 122mm có điều khiển (dùng định vị vệ tinh để dẫn hướng) cũng đã ra đời.
Mặc dù được đưa vào sử dụng từ hàng chục năm trước, song ngày nay quân đội nhiều nước vẫn dùng BM-21 nguyên bản hoặc có nâng cấp. Một số nước đã tự chế tạo các phiên bản của loại pháo này.
Pháo phản lực BM-27 Uragan (Bão táp)
Pháo này còn có tên gọi là Grau 9P140, bắt đầu được trang bị cho lục quân Liên Xô cuối thập niên 1970. BM-27 Uragan là loại pháo hiện đại đầu tiên của Liên Xô sử dụng đạn ổn định bằng cánh và trục xoay.
BM-27 Uragan là hệ thống pháo phản lực phóng loạt nặng 20 tấn, sử dụng đạn rocket 220mm, trọng lượng 280,4kg với đầu đạn 90-100kg tùy loại. Mỗi xe phóng ZIL-135 8x8 mang theo 16 ống phóng rocket, tầm bắn hiệu quả 35km, tầm bắn tối đa 38km. Tùy nhiệm vụ chiến đấu mà BM-27 Uragan có thể phóng rocket mang đầu đạn cháy, đầu đạn chống tăng hoặc đầu đạn chuyên diệt bộ binh.
Hệ thống pháo phản lực BM-27 Uragan chỉ mất vài phút để vào vị trí khai hỏa, nó có thể bắn chậm từng phát một hoặc phóng toàn bộ 16 đạn rocket theo loạt chỉ trong 20 giây. Với phạm vi sát thương lên đến 40 ha, sau mỗi đợt bắn, kíp lái nhanh chóng đưa xe phóng tới địa điểm khác để nạp đạn.
BM-27 Uragan còn đặc biệt hiệu quả trong nhiệm vụ rải mìn, ngăn chặn đối phương rút lui hoặc làm tiêu hao sinh lực đối phương. Mỗi quả đạn rocket chuyên dụng có thể phóng ra 312 quả mìn cỡ nhỏ. Chiến thuật rải mìn bằng đạn rocket từng được quân đội Liên Xô sử dụng rộng rãi ở Afghanistan.
Video: BM-27 Nga tham chiến ở Ukraine. Nguồn: Voenhronika.ru
Nguyên Phong