Bà Shenna Bellows, Tổng thư ký bang Maine hôm 28/12 tuyên bố, ông Trump "không đủ điều kiện tham gia tranh cử theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ" vì “đã kích động nổi loạn” ở trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol ngày 6/1/2021. Trước đó, Tòa án tối cao bang Colorado hôm 19/12 cũng thông báo loại tên cựu lãnh đạo Nhà Trắng ra khỏi các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang này với cùng lí do.
Theo CNN, các động thái trên đã làm trầm trọng thêm những khủng hoảng xoay quanh chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Trump nói riêng và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 nói chung. Mọi tranh cãi hiện tập trung vào Mục 3 của Tu chính án thứ 14, vốn cấm những người tham gia "nổi dậy hoặc nổi loạn" giữ chức vụ trong chính quyền.
Đội ngũ luật sư của ông Trump cho rằng, Hiến pháp Mỹ không nêu rõ liệu Mục 3 có áp dụng đối với tổng thống hay không, nên việc viện dẫn nó để truất tư cách ứng viên tranh cử của ông là “sai lầm pháp lý”.
Hơn nữa, ngay cả khi điều khoản này áp dụng cho vai trò lãnh đạo Nhà Trắng, đây là một vấn đề chính trị, tốt nhất phải do các cử tri quyết định thay vì các thẩm phán của tòa án. Nếu các thẩm phán can dự, họ sẽ vi phạm quyền được hưởng thủ tục pháp lý công bằng của ông Trump khi không thực hiện một số quy trình tìm hiểu thực tế như mở phiên xét xử hình sự và ra ngay phán quyết khẳng định cựu tổng thống Cộng hòa không đủ tư cách tái tranh cử.
Đội ngũ pháp lý của cựu tổng thống cũng quả quyết, sự cố ngày 6/1 không phải là một cuộc nổi dậy hay nổi loạn theo định nghĩa của Mục 3, mà giống một cuộc bạo loạn hơn. Trong đó, nổi dậy hay nổi loạn thường nhằm mục đích lật đổ hoặc làm gián đoạn hoạt động của chính quyền, khác với bạo loạn là hành vi gây xáo trộn ở nơi công cộng, có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố như sự bất bình về xã hội hoặc chính trị, bất bình đẳng kinh tế hoặc nhận thức về sự bất công.
Các luật sư lập luận thêm rằng, ngay cả khi đó là một cuộc nổi dậy, ông Trump cũng không liên quan vì ông chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình.
Ngược lại, các chuyên gia pháp lý chống ông Trump quả quyết, sự cố 6/1 là một cuộc nổi dậy của những người muốn lật ngược kết quả tổng tuyển cử năm 2020, do cựu tổng thống kích động. Do đó, việc ông bị cấm ra tranh cử là “đúng luật”.
Tranh cãi khiến việc Tòa án tối cao Mỹ đứng ra giải quyết vấn đề phát sinh từ Mục 3 trong Tu chính án thứ 14 trở nên rất cần thiết. Phía ông Trump đã tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết của Colorado và Maine. Trong khi, nhà chức trách 2 bang này đều đang hoãn thi hành quyết định cho đến khi tòa tối cao liên bang đưa ra phán quyết có hiệu lực toàn quốc về tư cách ứng viên tổng thống năm 2024 của ông Trump.
Ông Trump đã bị truy tố trong một vụ án liên bang và một vụ riêng rẽ ở bang Georgia vì vai trò trong những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống cách đây 3 năm. Song, ông không bị buộc tội nổi dậy vì sự cố 6/1.
Trái ngược với Colorado và Maine, một số bang khác như Michigan, Minnesota và California đã bác bỏ các yêu cầu đòi gạch tên ông Trump khỏi lá phiếu bầu cử sơ bộ ở những bang này.
Theo nhiều nhà quan sát, tranh cãi cũng đặt ra các câu hỏi mới về việc liệu những nỗ lực buộc ông Trump phải trả giá cho sự cố 6/1 có chính đáng trên cơ sở “bảo vệ nền dân chủ của Mỹ khỏi một thách thức nguy hiểm đặc biệt” hay có thể gây phản tác dụng về mặt chính trị đối với Tổng thống Joe Biden và phe Đảng Dân chủ trong các cuộc bỏ phiếu sắp tới. Thực tế, nhiều cáo buộc hình sự thậm chí càng giúp ông Trump thu hút sự chú ý nhiều hơn của cử tri. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đang dẫn đầu trong các ứng viên Cộng hòa và cao hơn ông Biden ở 7 bang chiến trường.
Giới phân tích cảnh báo, nếu Tòa án tối cao Mỹ né tránh hoặc không giải quyết rõ ràng vấn đề, điều đó có thể dẫn đến hỗn loạn cho cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2024 hoặc vào tháng 1/2025, nếu ông Trump thắng cử.