Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vừa có báo cáo về nội dung phục vụ phiên chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 18/3 tới.
Theo báo cáo, việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh (visa) cho công dân các nước là một trong các nhóm vấn đề được đề cập.
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, tháng 8/2023, Việt Nam quyết định mở rộng cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ. Có 13 nước được miễn thị thực đơn phương gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn từ 30 lên 90 ngày, với số lần xuất nhập cảnh không giới hạn. Công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn visa được tăng thời gian tạm trú từ 15 lên 45 ngày và được xem xét cấp visa, gia hạn tạm trú theo quy định.
Cuối tháng 2/2024, Thủ tướng đã giao Bộ Công an phối hợp với bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất mở rộng danh sách miễn visa đơn phương; thí điểm miễn visa trong thời gian ngắn hạn (từ 6 tháng đến 12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp visa dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 tháng đến 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu....
Mỗi cán bộ là một Đại sứ du lịch
Về xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ xác định mỗi Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện và cán bộ ngoại giao là một “Đại sứ Du lịch”, “Đại sứ Văn hóa” của Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ quảng bá, tăng cường hiểu biết của sở tại về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam và thu hút khách du lịch.
Hàng năm, các cơ quan đại diện tích cực phối hợp, hỗ trợ Bộ VH-TT&DL, địa phương và doanh nghiệp tổ chức hơn 50 hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và tham gia hội chợ du lịch quốc tế tại thị trường trọng điểm (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU...).
Ngoài ra còn phối hợp triển khai sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài, lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực tại nhiều địa bàn nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao (Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ, Áo, Hàn Quốc, Nam Phi, Thụy Sĩ...). Kết nối, vận động chính trị - ngoại giao và hỗ trợ hãng hàng không mở đường bay thẳng, tăng tần suất chuyến bay, điểm đến giữa Việt Nam và các nước. Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương trong xây dựng hồ sơ, vận động UNESCO công nhận di sản thiên nhiên, văn hóa, nâng số lượng di sản được UNESCO công nhận lên 62 và phát huy di sản để thúc đẩy phát triển du lịch.
Bộ Ngoại giao cũng chủ động, kịp thời tham mưu Chính phủ về việc mở rộng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước và ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với các nước (Panama, Kazakhstan, Belarus, Mông Cổ) để thúc đẩy du lịch.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian tới tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện để đẩy mạnh tham mưu về xu thế phát triển du lịch, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.
Xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thị hiếu thị trường; tận dụng các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao để triển khai xúc tiến du lịch để tạo hiệu ứng lan tỏa hiệu quả...
Với bộ ngành, địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao đề nghị nghiên cứu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hoá - lịch sử; phát triển sản phẩm du lịch mới, có giá trị gia tăng cao, mang tính đột phá, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam (như du lịch Halal, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, du lịch đám cưới, du lịch thông qua điện ảnh, phim trường...).
Theo Bộ trưởng Ngoại giao, cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới, chuyên đề như du lịch xanh, du lịch hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch đám cưới...
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn visa cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước; chủ động tham mưu các địa bàn, đối tác phù hợp.
Ngoài ra, tổng kết chính sách miễn visa đơn phương với công dân 13 nước; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương. Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo thường xuyên, kịp thời các cơ quan đại diện tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách thị thực của Việt Nam, hướng dẫn công dân nước ngoài thực hiện thủ tục xin e-visa.
Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, hạ tầng công nghệ cấp visa điện tử.