Liên quan đến vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 bị can về 5 tội danh.

Trong đó, đề nghị truy tố 11 bị can về tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước; 5 bị can về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; 5 bị can về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 4 bị can về tội Nhận hối lộ; 1 bị can bị đề nghị truy tố về 2 tội danh: Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Liên quan đến vụ án, ông Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn (cùng là cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ; ông Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân) bị đề nghị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

annnnnn12 1 1171.jpg
Bị can Huỳnh Tuấn Ân. Ảnh: Bộ Công an

Theo Kết luận điều tra, Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn Ân do ông Huỳnh Tuấn Ân thành lập, giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc. Tập đoàn này có 2 nhà máy, 26 công ty thành viên, chủ yếu sản xuất, kinh doanh, cung ứng các vật tư, thiết bị, phụ kiện ngành điện.

Nhà máy Tuấn Ân Long An hoạt động từ năm 2010, nhưng đến năm 2016 mới cung cấp thiết bị cho EVN Bình Thuận với số lượng ít, giá trị nhỏ.

Cuối năm 2016, ông Huỳnh Tuấn Ân nhờ ông Trần Ngọc Linh (khi đó là Giám đốc Điện lực Bình Thuận) tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân (một thành viên của Tập đoàn Tuấn Ân) trúng các gói thầu cung cấp thiết bị, cam kết chi tiền ngoài hợp đồng từ 5-6% cho EVN Bình Thuận.

Ông Ân còn hứa chi riêng cho ông Linh 1,5% (từ 2019 là 2%) giá trị hợp đồng, cho cựu Giám đốc Điện lực Bình Thuận góp vốn 500 triệu đồng vào Tập đoàn Tuấn Ân làm cổ đông chiến lược. Mỗi năm, ông Ân trả cho ông Linh khoảng hơn 20% tiền lãi.

Sau khi nhận lời đồng ý, ông Linh chỉ đạo cấp dưới đảm bảo Tập đoàn Tuấn Ân được trúng thầu. Trên thực tế, cựu Giám đốc EVN Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng tổng 23/26 gói thầu, trị giá đã quyết toán 90 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước 45 tỷ đồng.

annnnnn12 1 1173.png
Các bị can (từ trái qua phải): Trần Ngọc Linh; Nguyễn Thành Ngôn; Trương Tấn Đạt; Lê Quang Nghĩa; Tạ Thúc Thông. Ảnh: Bộ Công an.

Đến cuối năm 2021, khi ông Nguyễn Thành Ngôn được bổ nhiệm Giám đốc Điện lực Bình Thuận, ông Nguyễn Trung Quân (Giám đốc Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân) đã đến gặp ông Ngôn đề nghị tiếp tục kế thừa từ giai đoạn Trần Ngọc Linh, tạo điều kiện cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân được trúng thầu và đề cập đến việc chi tiền ngoài hợp đồng đã có trước đó.

Ông Ngôn đồng ý và giới thiệu gặp cấp dưới là Lê Quang Nghĩa để làm việc. Sau đó, hai bên thống nhất chi ngoài hợp đồng lần lượt là 21% và 25% tương ứng với từng gói thầu. Ông Ngôn trực tiếp nhận số tiền này để phân bổ.

Kết luận điều tra cho thấy, giai đoạn ông Ngôn làm Giám đốc, EVN Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng 2 gói thầu, tổng giá trị là 9,3 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước 4,5 tỷ đồng.

Sau khi trúng thầu, Huỳnh Tuấn Ân đã đưa hối lộ hơn 9,4 tỷ đồng cho nhiều cá nhân tại EVN Bình Thuận. Trong đó, các bị can Trần Ngọc Linh nhận tổng cộng hơn 2,3 tỷ đồng, Nguyễn Thành Ngôn nhận hơn 1,3 tỷ đồng, Trương Tấn Đạt (cựu Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận) nhận 4,1 tỷ đồng, Lê Quang Nghĩa (cựu Trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty Điện lực Bình Thuận) nhận 460 triệu đồng.

Việc tổ chức đấu thầu tại Công ty Điện lực Bình Thuận bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót như: Không công khai, minh bạch thông tin đấu thầu; các cán bộ, nhân viên phụ trách đấu thầu cố ý tiết lộ thông tin nội bộ, hồ sơ đặc tính kỹ thuật, dự toán gói thầu cho Tập đoàn Tuấn Ân để chuẩn bị hồ sơ dự thầu hợp lệ; cài đặt các yêu cầu kỹ thuật đặc thù nhằm hạn chế cạnh tranh; thiết lập “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu.

Để che giấu lợi nhuận thực tế, Tập đoàn Tuấn Ân đã thiết lập, vận hành song song hai hệ thống sổ kế toán. Trong đó, hệ thống sổ kế toán nội bộ ghi nhận đầy đủ hoạt động thực thu thực chi, hệ thống sổ kế toán thuế chỉ ghi nhận các hoạt động có chứng từ hợp lệ.

Để tăng chi phí, giảm lợi nhuận, Tập đoàn Tuấn Ân thực hiện việc mua 1.163 hóa đơn khống từ 11 công ty, để ngoài sổ sách kế toán thuế hơn 544 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018 - 2023, gây thiệt hại hơn 156 tỷ đồng tiền thuế.