Đại dịch tác động mạnh tới doanh nghiệp sản xuất Hải Dương
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, nhiều Doanh nghiệp bị hạn chế tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện, doanh thu giảm mạnh, lao động phải nghỉ việc, phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc.
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương chia sẻ với Báo VietNamNet về tình hình doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn (ảnh: Thu Uyên) |
Cụ thể như, về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào cho sản xuất, giá đầu vào nguyên vật liệu tăng cao đến 20% do nhu cầu sản xuất tăng và nguồn cung khan hiếm (thép các loại)… Các doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hàng hóa khi lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do hạn chế vận tải, thông quan tại các của khẩu đường bộ.
Về nguồn lao động, một số doanh nghiệp sản xuất sử dụng lao động, chuyên gia người nước ngoài đã gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do việc hạn chế xuất, nhập cảnh của các nước. Các doanh nghiệp bị thiếu lao động do phải thực hiện các biện pháp cách ly phòng dịch theo quy định đãảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp như Công ty Poyun, Công ty Sumiden, Công Ty điện tử Hitachi, Công ty may Tinh Lợi) hoặc thiếu contenner để xuất hàng (Công ty Sumiden) …
Bên cạnh đó, các ngành sản xuất công nghiệp có đặc thù sử dụng nhiều vốn, vốn luân chuyển chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp so với nhiều ngành khác, mặt khác do khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sản lượng sản xuất và doanh thu giảm, trong khi đó các doanh nghiệp phải chịu nhiều chi phí phát sinh như vay vốn ngân hàng, các khoản thuế, các khoản chi phí tăng cho vận tải, kho bãi, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, cho người lao động... đã làm tăng chi phí và khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.
Vượt khó, tăng tốc
Tuy nhiên, vượt khó giai đoạn khó khăn bùng dịch hồi đầu năm, hiện, các doanh nghiệp sản xuất của tỉnh Hải Dương đã hồi phục trở lại.
Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương, CNHT của tỉnh trong thời gian qua đã phát huy được những thế mạnh và lợi thế của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển toàn diện, đưa công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, từng bước khẳng định Hải Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn, có sức cạnh tranh cao của cả nước, trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hải Dương đi thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất (ảnh: Thu Uyên) |
Cho đến nay, CNHT của tỉnh đã hình thành trong 3 lĩnh vực chủ yếu là cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Các sản phẩm tương đối đa dạng, phong phú, đa số đạt tăng trưởng cao.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 152 cơ sở sản xuất CNHT. Tốc độ tăng trưởng bình quân GTSX CNHT của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 10,6%/năm, chiếm tỷ trọng 19,3% tổng GTSXCN toàn tỉnh. CNHT phát triển đã đáp ứng một phần cho nhu cầu sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (80% tổng số các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50 tỷ đồng).
Toàn ngành công nghiệp của Hải Dương chỉ có 165 doanh nghiệp có quy mô vốn lớn từ 200 tỷ đồng trở lên, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp công nghiệp. Các doanh nghiệp quy mô vốn lớn này tập trung chủ yếu tại các ngành CN cơ khí chế tạo, luyện kim và điện, điện tử. So với các tỉnh lân cận, vốn sản xuất kinh doanh trung bình trên mỗi doanh nghiệp công nghiệp của Hải Dương vẫn đang ở mức thấp (đứng thứ 6 trong khu vực).
Hiện nay, thông qua các chương trình đào tạo, Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương đã hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp Hải Dương trong việc nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản hợp tác. Tập đoàn này sẽ hỗ trợ ít nhất 15 doanh nghiệp tại Hải Dương tham gia vào chuỗi cung ứng linh, phụ kiện nội địa cho các nhà máy sản xuất của Samsung tại Việt Nam.
Tập đoàn An Phát Holdings (APH) tiêu biểu về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phối hợp với tỉnh trong phát triển công nghệ cao, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung từ tháng 3/2019 và cũng đã trực tiếp tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến của Samsung để cùng Hải Dương trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung (vender cấp 1) trong thời gian tới.
Và hơn hết, Hải Dương đang chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp khác tham gia đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó UBND tỉnh Hải Dương đã và sẽ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT nhằm phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Thu Uyên
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhờ "3 tại chỗ"
Mô hình "3 tại chỗ" đã giúp cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các khu công nghiệp tại các địa phương đạt chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng, giúp không đứt gãy chuỗi cung ứng.