Hôn nhân đổ vỡ
Vương Hà và Triệu Nhụy là bạn thân từ thời sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, họ kết hôn và có con. Tuy nhiên, ở độ tuổi 20, họ rơi vào cảnh làm mẹ đơn thân.
Cách đây 5 năm, cô Hà làm việc và sống cùng với cậu con trai 7 tuổi ở Hợp Phì. Cuộc sống của cô chỉ quanh quẩn bên con và công việc, lặp đi lặp lại như một cái máy lập trình sẵn.
Cô dậy lúc 6h sáng, chuẩn bị mọi thứ rồi đưa con đi học. 17h, cô đón con về, đi chợ, nấu ăn, dạy con học, chơi với con. Mức lương của cô là 3.500 Nhân dân tệ (khoảng 12 triệu đồng). Cô không dám thay đổi công việc, sợ khó tìm được nơi nào ổn định như hiện tại.
Ngày lễ, cô cũng chẳng được nghỉ ngơi, tất bật với con từ sáng tới tối. Nghỉ hè hay nghỉ đông, cô đành gửi con chứ không biết nhờ ai. Chi phí gửi con chiếm hơn một nửa lương.
Trong khi đó, cô Nhụy có một cô con gái 5 tuổi. Cô làm nội trợ toàn thời gian trước khi ly hôn. Cô không có chỗ ở, chưa tìm được việc làm, sống nhờ trợ cấp của chồng.
Sau đó, cô đưa con gái về quê với ông bà ngoại. Dù không phải lo lắng về cuộc sống, nhưng tâm trạng của cô ngày càng tệ. Cô cảm thấy mình vô dụng, không bạn bè và dần rơi vào trầm cảm.
Cùng vượt qua những ngày khó khăn
Năm 2023, không thể chịu nổi khi thấy người bạn thân buồn bã, cô Hà động viên bạn trở lại thành phố. Tuy nhiên, ở thành phố kiếm được công việc lương cao rất khó, tiền thuê nhà đắt đỏ, lại phải chăm sóc con cái và đi làm nên tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Suy nghĩ thật lâu, cô Hà đề nghị: “Hay cậu cùng con gái chuyển tới nhà mình”. Thế là 2 bà mẹ đơn thân với 2 đứa con tạo thành một gia đình 4 người.
Trong suy nghĩ của 2 người, gia đình có nghĩa là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Mọi người cùng giúp đỡ nhau thì mới có cuộc sống tốt đẹp. Bằng cách này, hai người phụ nữ bắt đầu lại cuộc sống.
Đầu tiên là cân bằng giữa kiếm tiền và nuôi con. Cô Hà trước đó tiết kiệm được 1 ít tiền nên dự tính ở nhà làm một số việc lặt vặt. Còn cô Nhụy cần đi làm và hòa mình vào xã hội.
Sau khi bàn bạc, hai người quyết định cô Nhụy đi làm và đưa 2.000 Nhân dân tệ mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Cô Hà ở nhà chăm sóc các con và dành thời gian nghỉ ngơi. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm về chi phí giáo dục của con mình.
Buổi sáng, cô Nhụy đi làm, cô Hà ở nhà chuẩn bị cho các con ăn rồi đưa từng đứa đến trường. Sau đó, cô về nhà dọn dẹp, giặt giũ và làm một số công việc khi có thời gian rảnh. Buổi chiều, cô đón hai con về nhà, rồi chuẩn bị bữa tối.
Khi cô Nhụy tan làm về nhà, đồ ăn đã được bày sẵn trên bàn. Gia đình 4 người vừa ăn vừa trò chuyện. Sau bữa tối, lúc hai đứa trẻ chơi đùa, cô Nhụy sẽ chủ động rửa bát, cô Hà tranh thủ dọn dẹp.
Dù là ngày thường, cuối tuần hay ngày lễ, dù là việc nhà hay nuôi dạy con cái, hai người bạn thân đều hợp tác và chia sẻ trách nhiệm. Dịp nghỉ lễ quốc khánh Trung Quốc, cô Hà chăm sóc bọn trẻ trước, để cô Nhụy đi chơi. Khi cô Nhụy trở lại, cô Hà sẽ được nghỉ ngơi.
Cô Nhụy cho biết, khi ra ngoài kiếm tiền, áp lực công việc rất lớn, khi về nhà mệt đến mức không muốn làm gì. Dẫu vậy, cô vẫn sẽ giúp bạn mình chia sẻ gánh nặng, vì cô hiểu rõ hơn việc một mình nuôi con ở nhà khó khăn như thế nào.
Sau khi 2 đứa trẻ đi ngủ cũng là lúc 2 người bạn thân tận hưởng không gian riêng của mình. Họ cùng nhau đắp mặt nạ, thử quần áo, buôn chuyện, ăn vặt cho tới khuya.
Khi đang học, cô Hà ước mình có thể đi chơi với bạn thân mỗi ngày và trò chuyện cho đến tận sáng hôm sau. Bây giờ, cô cũng đã thực hiện được giấc mơ.
Hai đứa trẻ cũng dần thích nghi với cuộc sống mới. Con gái cô Nhụy lúc đầu rất kiêu ngạo nhưng kể từ khi có anh trai chăm sóc, cô bé trở nên ngoan ngoãn, biết quan tâm tới mọi người hơn.
Trước đây, con trai cô Hà luôn chán nản, buồn vì không có ai chơi cùng, giờ có cô em gái, cậu bé phấn chấn hẳn lên. Hai đứa trẻ có bạn cùng chơi, không còn quấy rầy mẹ như trước.
Câu chuyện về cô Hà và cô Nhụy khiến nhiều người có cái nhìn mới về một gia đình. Đôi khi không nhất thiết phải tìm cho mình một người đàn ông để nương tựa. Cuộc sống vẫn sẽ tuyệt vời nếu đó là một người bạn thân có thể cùng nhau tạo thành một gia đình hạnh phúc.