Hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam trong đó có ngành du lịch, một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước gặp nhiều khó khăn trở ngại. Nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi sầm uất phải đóng cửa, nhân lực mất việc, doanh thu giảm sút gần bằng 0. Có thể thấy, bức tranh du lịch trong những ngày đại dịch bị đông cứng.
Thực tế, từ sự quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp và các địa phương, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi hoạt động dần trở lại bình thường. Đất nước từ đầu năm 2022 đã từng bước chuyển trạng thái bình thường mới, vừa tiếp tục chống dịch một cách chặt chẽ và vừa phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Với ngành du lịch cũng như vậy, các khách sạn, nhà hàng, điểm danh thắng… dần mở cửa trở lại, khách trong nước và quốc tế đã đến, nơi nơi khởi thỏa niềm vui đón khách.
Hình ảnh từ các điểm du lịch, danh thắng tấp nập vạn khách trong kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua có thể mới chỉ là bắt đầu. Niềm vui ấy như ngọn lửa hồng, cần gìn giữ và thắp sáng.
Thông tin được truyền đi, Chỉ trong đợt nghỉ lễ Giỗ Tổ, nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở BàRịa - Vũng Tàu, Sầm Sơn, Hạ Long, các khu vực miền Trung và nhiều thủ phủ du lịch khác đều đã đón hàng vạn khách gần xa.
Du khách, người dân rời nhà đi du lịch dịp lễ không phải là điều mới, nhưng lại là bất ngờ lớn về nhìn nhận tình hình dịch bệnh sau hơn 2 năm gần như “ai ở đâu, ở đó”, nhà nhà kìm nén nhu cầu du lịch, tận hưởng của gia đình.
Số liệu 2 tháng đầu năm 2022 chỉ là tín hiệu mới khi du lịch Việt Nam, đã đón 17 triệu khách du lịch nội địa và khoảng 10.000 khách du lịch quốc tế. Còn với kế hoạch của Tổng Cục Du lịch Việt Nam trong năm nay, ngành sẽ đón 60 triệu khách du lịch Việt Nam và 5 triệu khách quốc tế. Đây là mục tiêu khá cao nhưng có thể đạt được nếu chúng ta có những giải pháp để đón thời cơ mới, vận hội mới của ngành du lịch trong năm 2022 và những năm sắp tới.
Nay, những “thượng đế” đã trở lại, đem lại sức sống trong phục hồi du lịch, đồng nghĩa với việc đón “thượng đế”, chỉ với tinh thần cầu thị, cởi mở, hiếu khách, niềm vui đón vạn khách mỗi ngày mới kéo dài.
Lạc quan là điều tốt, dù ngành du lịch Việt Nam có bước chuyển mới trong nhiều năm gần đây, song vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế những tồn tại trong quá trình phục vụ du khách.
Tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước, rất yêu mến ngành du lịch song đồng thời cũng quan sát rất kỹ về những khiếm khuyết của họ. Nạn chặt chém về giá cả buồng phòng, ăn uống, vận chuyển đi lại… vẫn còn xảy ra ở một số địa phương và cũng không phải là cá biệt.
Những lúc quá tải về phục vụ, khách đến rất đông thường xảy ra những hiện tượng chèn ép vô lý. Chỉ tiếc rằng, các cơ quan du lịch địa phương có lúc chưa kịp thời chấn chỉnh, chưa đúng thông điệp “vui lòng khách đến, đẹp lòng khách đi” khi họ đến địa phương mình.
Tinh thần cầu thị khắc phục những điểm yếu mà du khách góp ý trong các mùa du lịch vẫn còn chậm, đôi lúc chưa đem lại sự hài lòng cho du khách.
Giờ đây, khi niềm vui của ngành du lịch trở lại, việc giành lại niềm tin với du khách là quan trọng nhất, nhưng quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng niềm tin ấy một cách chắc chắn, bền vững.
Giờ cũng là lúc nhìn nhận du khách như những “thượng đế” đúng nghĩa. Và, trong lộ trình gây dựng niềm tin ấy, sự nỗ lực chủ quan của các đơn vị lữ hành, vận tải, dịch vụ là rất quan trọng, cộng với sự hỗ trợ quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp tại địa phương, có vậy mới tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong công tác phục vụ chung.
Hoạt động du lịch không chỉ là đơn phương cố gắng của riêng ngành mà còn có sự liên kết hỗ trợ của các ngành khác, như ăn uống, thương mại, dịch vụ giải trí, vận tải… Từ đó tạo ra sức mạnh, chuỗi liên kết giữa các ngành, cùng nhau chia sẻ những khó khăn cũng như lúc thuận lợi.
Thời cơ và vận hội đã đến, nếu không đón bắt kịp sẽ thật có lỗi với nỗ lực chống dịch suốt chặng đường dài vừa qua. Vì thế, mọi mục tiêu cần bắt đầu từ sự hài lòng, bằng gây dựng và nuôi dưỡng niềm tin với du khách.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú