Sáng 4/6, Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Đặng Trung Nghĩa, Trưởng Khoa Nhiễm Việt Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xác nhận, 2 bệnh nhân sốt rét ác tính là người nhập cảnh từ Cameroon và Bờ Biển Ngà.
Cụ thể, một bệnh nhân là nữ 24 tuổi, du học sinh, sống tại quận Bình Thạnh và trở về từ Cameroon. Sau khi nhập cảnh một ngày, cô gái sốt, uống thuốc nhưng không khỏi. Ngày thứ 6, bệnh nhân được xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân hôn mê, vàng da, mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, thiếu máu và nước tiểu có màu nâu đỏ.
Bệnh nhân thứ hai là người đàn ông 63 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhập cảnh từ Bờ biển Ngà. Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, ông được đưa vào một bệnh viện kiểm tra sức khỏe vì có triệu chứng sốt. Xét nghiệm cho thấy mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, suy thận, tổn thương gan, nhiễm toan acid lactic.
Các bệnh nhân được điều trị tích cực với thuốc đặc trị sốt rét và phối hợp nhiều phương tiện điều trị hỗ trợ.
Bác sĩ Nghĩa cho biết, hiện nay bệnh sốt rét rất ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện trễ. Biểu hiện sốt rét thường bị nhầm với sốt xuất huyết và một số bệnh nhiễm trùng khác đang phổ biến. Do đó, bác sĩ cần khai thác kỹ về yếu tố dịch tễ.
Hiện nay, cần nghĩ đến sốt rét nếu bệnh nhân sống, di chuyển từ vùng rừng núi, ngập mặn, nơi lưu hành sốt rét như Bình Phước, khu vực Tây Nguyên hay từ các quốc gia như Lào, Campuchia, châu Phi… Khi bị sốt, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán sốt rét.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng vừa điều trị cho 2 bệnh nhân sốt rét về nước từ Angola sau nhiều năm không ghi nhận ca bệnh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường , Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những năm vừa qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam đã được kiểm soát. Do có đầy đủ thuốc sốt rét để điều trị nên tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét giảm nhiều, chỉ còn ở một số tỉnh ở Tây Nguyên và phía Nam.
“Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng tôi nhận được nhiều bệnh nhân sốt rét đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét 'nhập khẩu'. Nguyên nhân là do giao thương, đi lại nhiều, sau một thời gian dịch bệnh, việc khôi phục lại các đường bay cho người Việt Nam đi lao động, công tác tại châu Phi, đặc biệt là Angola trở về nước gia tăng”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.
Các bác sĩ cảnh báo, khi có triệu chứng, người dân cần đi khám bởi bệnh có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng.
Linh Giao