Ngày 6/4, Sân khấu Lệ Ngọc khởi công hai vở diễn: Lá đơn thứ 72, Truyền tích chùa Một Cột.
Lá đơn thứ 72 do tác giả Hoàng Thanh Du viết kịch bản. Đây là vở diễn đặc biệt bởi nó quy tụ hai nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch: NSND Lê Tiến Thọ đạo diễn, NSND Vương Duy Biên thiết kế sân khấu.
Tác giả Hoàng Thanh Du cho biết, đây là kịch bản anh đã thai nghén từ năm 1995. “Sau gần 30 năm ấp ủ nay nay vở diễn đã được sân khấu Lệ Ngọc dựng lại. Tôi thấy rất vui mừng, câu chuyện kịch có thật 100% về một vụ án oan sai, được Bác Hồ yêu cầu điều tra lại…”.
Rất lâu, NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mới quay trở lại sân khấu với vai trò đạo diễn. Trả lời câu hỏi của VietNamNet: Khán giả mong chờ góc nhìn mới, phương thức truyền tải mới từ “đạo diễn cũ” để vở diễn không bị khô cứng, ông sẽ dùng mảng miếng nghệ thuật gì? Chia sẻ về điều này, Lê Tiến Thọ cho biết, đây là một trong những kịch bản hay của sân khấu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Làm sao chuyển tải được tư tưởng, phong cách và đạo đức của Bác trên sân khấu để khán giả cảm nhận rõ nét nhất và thể hiện ấn tượng nhất hình tượng Bác là trăn trở, thách thức lớn với ê kíp sáng tạo.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức sân khấu, phối hợp âm thanh, ánh sáng, diễn xuất của diễn viên, ngôn ngữ của hoạ sĩ để tác phẩm này có ngôn ngữ của thời đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Vở diễn cũng sẽ là tác phẩm sân khấu đặc biệt chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay”, NSND Lê Tiến Thọ cho hay.
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngoài được biết tới là lãnh đạo ngành văn hoá thì ông còn là nhà điêu khắc, người có nhiều kịch bản sân khấu tuy nhiên lần này ông xuất hiện ở vai trò thiết kế sân khấu. NSND Vương Duy Biên chia sẻ, khi đọc kịch bản, ông hình dung không gian sân khấu không phức tạp, thể hiện về Hà Nội mấy chục năm trước, rất thanh bình. Ở đó có không gian nhà sàn trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – ngôi nhà sàn đơn sơ gắn với hình tượng Bác Hồ. Trên sân khấu còn có các cảnh về những chuyến đi vi hành của Bác. Bản thân NSND Vương Duy Biên đã tìm hiểu khá nhiều tư liệu về các chuyến đi nắm bắt tình hình, quan sát đời sống của người dân của Người và rất xúc động. Vì vậy, ông sẽ cố gắng thể hiện vào trong trang trí sân khấu để làm sao toát lên được hình ảnh Bác – Người lãnh tụ vĩ đại nhưng thật gần gũi, bình dị.
Truyền tích chùa Một Cột do tác giả Lê Thế Song viết kịch bản, đạo diễn đến từ TP.HCM - NSƯT Lê Nguyên Đạt. Tác giả Lê Thế Song cho hay, Truyền tích chùa Một Cột là vở diễn dã sử, mang tính huyền tích nhưng thông qua tác phẩm, ê kíp sáng tạo mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn, trân trọng, yêu quý hơn di sản độc đáo này, kể cả việc ngôi chùa Một Cột được xây dựng vào thời kỳ nào, có kiến trúc độc đáo ra sao. Vở diễn cũng đồng thời chuyển tải thông điệp về tinh thần đại đoàn kết, hướng đến xây dựng đất nước hòa bình…"Vở diễn ngoài yếu tố tôn trọng lịch sử, tất nhiên cũng có chút hư cấu. Nhưng hư cấu gì thì hư cấu, điều cuối cùng tôi muốn truyền tải đó chính là góp tiếng nói cho thế hệ trẻ hôm nay thấy được một thời kỳ bách niên thịnh thế".
Theo NSƯT Lê Nguyên Đạt cho hay, khi đọc kịch bản anh đã rất tâm đắc và tìm ra được 3 thông điệp gửi gắm vào tác phẩm đó là: đạo giáo, đạo làm vua và đạo làm người.
Tình Lê