Thủ đô Hà Nội đã trải qua qua 15 khóa với 9 vị từng đảm nhận chức chủ tịch. Người đảm nhận lâu năm nhất là bác sỹ Trần Duy Hưng, từ khóa 1 đến khóa 6. Có 4 vị đảm nhận 2 khóa hoặc gần hai khóa, còn lại là những người làm 1 khóa.
Ông Nguyễn Đức Chung đảm nhận trọn 1 khóa và đã bước sang khóa sau một thời gian ngắn thì bị xử lý hình sự. Ông Chu Ngọc Anh tiếp nối.
Đáng buồn là hai vị Chủ tịch Hà Nội gần đây đều vướng vào vòng lao lý. Ông Nguyễn Đức Chung vi phạm khi ông đang đương chức. Còn ông Chu Ngọc Anh vừa mới bị bắt vì những vi phạm từ thời ông làm Bộ trưởng Bộ KHCN.
Hà Nội là đất ngàn năm văn hiến. Hiện nay Hà Nội có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện với quy mô dân số chỉ đứng sau TP.HCM. Tuy nhiên Hà Nội lại là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước nên có vị thế đặc biệt quan trọng.
Không những vậy, Hà Nội còn là đất kinh kỳ thanh lịch, “nơi rồng cuộn hổ ngồi”, nơi tiếp nhận tinh hoa văn hóa của cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Nói như vậy để thấy đứng đầu chính quyền Hà Nội là đứng đầu một địa chỉ văn hóa quan trọng nhất đất nước. Người được lựa chọn phải là người có tầm văn hóa và ứng xử có văn hóa là yêu cầu trước tiên.
Hà Nội ngày nay khác xa với thời kỳ trước. Nhiều công trình văn hóa, nhiều phố phường từng ngày “thay da đổi thịt” đến mức nếu không thường xuyên đi lại dễ bị lạc. Đường phố mở rộng khang trang hơn, hàng nghìn cao ốc sừng sững…Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều là dẫu mở rộng nhưng Hà Nội vẫn chưa khang trang, chưa xanh sạch đẹp, quy hoạch còn manh mún, nhiều vấn đề đô thị và giao thông đô thị cũng chưa có bước chuyển biến nào rõ rệt.
Một thời người ta kỳ vọng vị chủ tịch có bằng kiến trúc về để có một Hà Nội quy mô, xứng tầm nhưng rồi lại thất vọng. Đất đai được tận dụng đến mức tối đa, mọc lên nhan nhản nhà cao tầng mà không có nơi vui chơi, hay không gian văn hóa.
Ông Nguyễn Đức Chung được kỳ vọng nhiều vì có nhiều thời gian gắn bó, trưởng thành tại Hà Nội. Người dân hy vọng tính cách quyết liệt của ông Chung sẽ đem đến cho Thủ đô những thay đổi. Hơn một khóa ông làm, người dân cũng phần nào cảm nhận được tính quyết liệt của ông. Việc ông thay cây xanh tuy có nhiều ý kiến song cũng đem lại cho Hà Nội chút thay đổi, hay một thời quyết liệt để người dân có phố đi bộ, rồi việc trấn áp tội phạm… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc trước mắt. Vươn lên thế nào, định hướng ra sao để Hà Nội xứng danh là thành phố “vì hòa bình” thì chưa rõ.
Ông Chu Ngọc Anh là người con xứ Đoài. Người dân hy vọng ông hiểu rõ văn hóa, tâm linh của vùng đất “rồng bay” và Hà Nội sẽ bắt đầu vươn cao bằng văn hóa, bằng khoa học công nghệ hiện đại. Tiếc rằng ông chưa kịp làm gì cho Hà Nội thì xảy ra vụ Việt Á mà ông là một trong những cá nhân cấp cao bị xử lý.
Có thể thấy rõ, chiếc ghế chủ tịch Hà Nội cần có những người xứng tầm. 9 đời chủ tịch với chiều dài 15 khóa, có lẽ người để lại trong lòng dân nhiều ấn tượng nhất là bác sỹ Trần Duy Hưng.
Bác Hồ là người chọn ông làm chủ tịch và cũng chính ông đề nghị mở lớp quy hoạch đô thị cho cán bộ Hà Nội. Trong ý nghĩ của ông về quy hoạch Hà Nội trước hết là cái hồn Hà Nội, con người Hà Nội, văn hoá Hà Nội. Đó là quan trọng nhất. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã để lại cho Thủ đô nhiều công trình, nhiều dấu ấn đến nay vẫn được người dân ca ngợi.
Địa linh luôn cần nhân kiệt. Đó là sự tương quan, sự gắn bó tất yếu trong quá trình phát triển. Đúng như câu nói ai không theo kịp sẽ bị bỏ lại phía sau. Và hai vị chủ tịch vừa qua đã bị bỏ lại phía sau.
Nguyễn Đăng Tấn