Cụ thể, Hải Phòng đưa giải pháp tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác mở rộng kênh phân phối hàng hoá, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp Hải Phòng năm 2022, ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN thành phố cho biết, tính đến nay, Hải Phòng đã hỗ trợ 15 dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ quản trị chất lượng tiên tiến, có áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước tiên tiến… để có thể tạo ra sản phẩm, hàng hoá có năng suất, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Cũng theo ông Tuấn, với hơn 600 doanh nghiệp, đơn vị được cấp giấy chứng nhận áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, trên 50 doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng Việt Nam, trong đó có 06 doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương, Hải Phòng đã trở thành một trong những địa phương có số doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc tế nhiều nhất. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là kết quả bước đầu đặt nền tảng cho hoạt động đổi mới sáng tạo tăng năng suất chất lượng. Để doanh nghiệp thích ứng, chuyển đổi và bứt phát trong giai đoạn sắp tới, rất cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là việc hình thành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp.
Nhân lực chất lượng cao là chìa khoá
Bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ về việc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã quan tâm đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong năm 2021, ứng dụng KH&CN đã góp phần giúp Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng kể, đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố đạt 12,38%, dẫn đầu cả nước.
Đạt được kết quả như trên là nhờ cùng với giáo dục đại học, đào tạo nghề cũng được Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Thành phố đã triển khai thực hiện công tác quy hoạch nhân lực lao động kỹ thuật thông qua mạng lưới dạy nghề, tuyển sinh học nghề; bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề cũng như cải thiện công tác kiểm định dạy nghề.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố có những bước tiến đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN và đồng bộ nội dung vào chương trình đào tạo, trong đó chú trọng phối hợp với doanh nghiệp xây dựng giáo trình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tính tích cực, chủ động sảng tạo, vận dụng kiến thức vào thực hành tay nghề.
Nhằm tránh việc đào tạo nửa vời, lãng phí thời gian và công sức của học viên, thành phố cũng đề ra chù trương kết nối cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, để doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo lao động ở những lĩnh vực theo nhu cầu thực tế ở tất cả các khâu: từ xây dựng chương trình, giảng dạy, thực hành tại cơ sở sản xuất và đánh giá năng lực học viên.
Do đó, để tiếp tục duy trì thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh thông qua nâng cao chất lượng doanh nghiệp, Sở KH&CN Hải Phòng đặt mục tiêu chú trọng phát triển các nguồn lực, tiềm lực KH&CN, trong đó có một số ưu tiên như: tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đặc thù của thành phố về thu hút, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp để nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào quá trình sản xuất.