Hải Phòng là một địa phương tiêu biểu về logistics với hạ tầng đa dạng phục vụ các loại hình vận tải gồm đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, kết nối thuận tiện với các địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng cũng như phương tiện, hàng hóa tuyến Bắc-Nam.

Cuối tháng Ba vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới… Ưu tiên phát triển các chức năng cảng, dịch vụ cảng là một trong nhiều nội dung được đề cập tại Quyết định số 323/QĐ-TTg.

dinhvu.png

Để phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng đã ban hành một số Nghị quyết, Kế hoạch, trong đó nổi bật là Kế hoạch 238/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Kế hoạch 238/KH-UBND nêu rõ phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, với hàng hóa thông qua cảng ước đạt 300 triệu tấn, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2025 đạt 15,1%/năm.

Đến năm 2030, thành phố trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Hàng hóa thông qua Cảng ước đạt 600 triệu tấn…

Hải Phòng hiện có 4 địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS), 14 địa điểm kiểm tra tập trung có CFS và 18 kho ngoại quan, phần lớn tập trung trên địa bàn quận Hải An và Ngô Quyền; có 3 trung tâm logistics, gồm 2 trung tâm đã hoạt động là trung tâm logistics Green, trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (Khu công nghiệp Đình Vũ) và 1 trung tâm logistics đang xây dựng là trung tâm CDC (Khu công nghiệp Đình Vũ 2).

Hệ thống các kho ngoại quan, cảng, cấp đông, xăng dầu có tổng diện tích khoảng 4 triệu m² được các đơn vị thường xuyên nâng cấp. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của thành phố hiện nay và những năm tới, hệ thống kho, bãi này chưa đáp ứng yêu cầu. Kho, bãi nhìn chung còn nhỏ hẹp, chất lượng dịch vụ thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và không phù hợp với yêu cầu xếp dỡ hàng hóa nhanh.

Theo đề án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, dịch vụ logistics với tổng diện tích kho, bãi trên địa bàn thành phố đạt khoảng 701,14ha, hơn 60 kho bãi chính bao gồm hệ thống kho, bãi tại các cảng biển; kho ngoại quan; hệ thống kho bãi tại các điểm thu gom hàng lẻ, địa điểm kiểm tra tập trung và hệ thống kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác…

Hải Phòng hiện có khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động tích cực trong lĩnh vực này. Hầu hết các doanh nghiệp đóng vai trò cung ứng một số dịch đơn giản cho các công ty logistics nước ngoài như: làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa (chủ yếu bằng đường bộ), cho thuê kho bãi…

Hiện có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Hải Phòng như DHL, UPS, FedEx… chiếm tới 70-80% thị phần logistics. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong nước chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

Cũng theo đề án, tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2021-2025 là 16-18%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 17%/năm. Dịch vụ logistics gắn liền cả quá trình nhập nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, sản xuất ra hàng hóa và đưa vào các kênh lưu thông, phân phối để đến tay người tiêu dùng.

Đây cũng là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC – Global Value Chain) như: cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện đã có 14 khu công nghiệp đang triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng với tổng diện tích trên 6.131ha (9 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và 5 khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế)…

Một số khu công nghiệp đã được xây dựng theo mẫu dựa trên nền tảng logistics, nhằm tăng tính kết nối, tương tác về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như Khu công nghiệp Đình Vũ có hệ thống cảng tổng hợp và cảng hàng lỏng dùng chung ngay trong khu công nghiệp; Khu công nghiệp Nam Đình Vũ đặc biệt gắn liền với hệ thống cảng biển-chuỗi logistics miền Bắc Việt Nam.

Trong giai đoạn tiếp theo, Hải Phòng sẽ tập trung xây dựng các Khu công nghiệp, Khu chế xuất mới thành lập theo hình mẫu Khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics.

Điều này giúp tạo nguồn hàng dồi dào cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn; đồng thời tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa cho cả khu vực Đông Bắc, cũng như đảm nhận vai trò cổng logistics cho nguồn hàng xuất nhập khẩu bằng đường biển của các địa phương phía Bắc dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Vĩnh Bảo