Kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022 đã được UBND thành phố ban hành. Kế hoạch nhằm xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số của Hải Phòng năm 2022.
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh – DTI 2020 được Bộ TT&TT công bố hồi tháng 10/2021, Hải Phòng đứng thứ 21 về chuyển đổi số, với thứ hạng ở 3 trụ cột Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số lần lượt là 33, 20 và 14.
Với kế hoạch mới ban hành, Hải Phòng phấn đấu có tên trong Top 10 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số năm 2022 và đến năm 2025 đứng trong Top 5 toàn quốc.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hải Phòng đã vạch rõ các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để cải thiện, nâng cao mức độ chuyển đổi số của địa phương trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Trong đó, về chính quyền số, để chuyển đổi nhận thức, Hải Phòng sẽ tổ chức phát động phong trào thi đua Chuyển đổi số toàn thành phố, có áp dụng hình thức khen thưởng cụ thể cho tập thể, cá nhân điển hình. Đồng thời, tổ chức sự kiện ngày chuyển đổi số thành phố, dự kiến lấy ngày 26/10 là ngày chuyển đổi số hàng năm của Hải Phòng.
Bổ sung, nâng cấp mạng thông tin nội bộ, trang bị máy tính, thiết bị tin học phục vụ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã; chuyển đổi sử dụng IPv6 đối với các hệ thống thông tin trong cơ quan nhà nước; triển khai vận hành thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số phục vụ người dân...
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các đơn vị phải bám sát hướng dẫn của Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số chuyển đổi số năm 2022 (Ảnh minh họa: Internet) |
Cùng với đó, hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của thành phố để tạo lập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, liên thông giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tiếp tục được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, thực hiện các biện pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm đạt được mục tiêu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Về kinh tế số, thành phố sẽ rà soát, xây dựng ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế số, chuyển đối số cho doanh nghiệp; xây dựng mô hình doanh nghiệp mẫu về chuyển đổi số, nhân rộng mô hình hiệu quả, cách làm hay.
Xây dựng, ban hành chương trình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số, phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, phát triển mô hình kinh doanh theo hình thức kinh tế chia sẻ tại địa phương; quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế số; Triển khai thử nghiệm 5G tại 1 số khu vực hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, trung tâm logistics; Số hoá các hạng mục dữ liệu thuộc miền dữ liệu kinh tế số đưa vào cơ sở dữ liệu để chia sẻ, khai thác, sử dụng; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu mở phục vụ doanh nghiệp...
Với trụ cột xã hội số, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cũng sẽ sẽ được Hải Phòng tập trung triển khai trong thời gian sắp tới như: Rà soát, ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án về phát triển xã hội số, hỗ trợ chuyển đổi số cho người dân; hỗ trợ người khuyết tật, người yếu thế tiếp cận xã hội số, cộng đồng số; phát triển hạ tầng, nền tảng cho xã hội số.
Song song đó, phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, xoá các vùng lõm sóng, phổ cập thuê bao băng rộng cáp quang đến các hộ gia đình trên địa bàn thành phố, phấn đấu năm 2022 tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao băng rộng cáp quang đạt 80%; triển khai gắn mã Vpostcode đến địa chỉ hộ gia đình trên toàn thành phố; cung cấp, mở rộng các dịch vụ số; triển khai giải pháp ký số nộp hồ sơ trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính; phát triển các dịch vụ số, thúc đẩy người dân sử dụng thiết bị số và truy cập mạng; triển khai các giải pháp khám chữa bệnh từ xa, sổ sức khoẻ điện tử, tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng y tế, kiểm soát bệnh tật...
UBND thành phố Hải Phòng cũng nêu rõ các yêu cầu trong triển khai kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số thành phố năm 2022, đó là duy trì các nhóm tiêu chí đã đạt điểm số cao; phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và nghiêm túc thực hiện triệt để các nhiệm vụ đề ra để đảm bảo cải thiện, nâng cao các nhóm tiêu chí đạt điểm thấp, chưa đạt điểm.
Vân Anh
Đồng Nai muốn vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số năm 2022
Để nâng cao kết quả xếp hạng chuyển đổi số bộ, tỉnh - DTI của Đồng Nai năm 2022 nằm trong Top 10 cả nước, UBND tỉnh này vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số việc.