Sáng nay (19/8), Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã có buổi đối thoại với hơn 600 doanh nghiệp, đại diện cho hơn 26.000 doanh nghiệp trên địa bàn, để nghe những ý kiến, vướng mắc cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, 5 năm qua, trung bình mỗi năm tại Hải Phòng có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký trung bình trên 8 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Đến hết tháng 7/2023, trên địa bàn thành phố có trên 26.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 25.700 doanh nghiệp tư nhân, chiếm gần 97% (trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%).
Về các loại hình doanh nghiệp, tỷ lệ công ty TNHH 1 thành viên trên địa bàn chiếm tỷ lệ lớn nhất, với gần 40%.
Trên cơ sở phân tích tình hình doanh nghiệp khu vực tư nhân nói chung và doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng, UBND thành phố định hướng 3 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển và hỗ trợ, tăng cường nội lực của doanh nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, Hải Phòng sẽ sớm có các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Hải Phòng đề xuất xây dựng đề án chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại thành phố.
Ngoài ra, thành phố sẽ tạo điều kiện mở rộng khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp khu vực tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã trực tiếp kiến nghị đến Thường trực Thành ủy các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; các vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng, dịch vụ logistics, hậu cần sau cảng; chuyển đổi số; kết nối sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định: Những ý kiến, kiến nghị gửi đến hội nghị có mới, có cũ; có những vấn đề rất khó, nhiều năm chưa được giải quyết thỏa đáng.
Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cam kết, sẽ dành sự quan tâm đặc biệt, sự hỗ trợ thực chất, hiệu quả để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Hải Phòng thật sự lớn mạnh.
"Đây là không phải là chủ trương lý thuyết mà sẽ trở thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thường trực Thành ủy sẽ tập trung chỉ đạo thời gian tới. Doanh nghiệp phát triển là cơ sở để đánh giá sự thành công của chính quyền", ông Châu nói.