Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận là địa điểm từng nằm trong quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Cuối năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng chủ trương đầu tư dự án.
Đến giữa tháng 7/2023, tỉnh Ninh Thuận có quyết định hủy thu hồi đất. Sau đó, tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mặt bằng và hỗ trợ nhu cầu cấp thiết của người dân vùng này.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet vào những ngày đầu tháng 11 này, hai bên đường vào thôn Vĩnh Trường có nhiều gia đình đã sửa chữa, dựng nhà khang trang.
Anh Cao Ngọc Liêu (40 tuổi) cho biết "các con đã lớn, gia đình cần có không gian sinh hoạt rộng hơn nên ngay khi được phép xây dựng, chúng tôi quyết định sửa lại để ổn định cuộc sống".
Sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Trường, bà Nguyễn Thị Mật (60 tuổi) nói trước đây có quy hoạch, nên dù có đất rộng nhưng bà không thể tách thành các thửa để cho con cháu. Bà cũng không được chuyển nhượng, cầm cố đất để vay vốn ngân hàng làm ăn. Còn bây giờ, không còn quy hoạch, mọi người tập trung đầu tư làm ăn để mọi thứ tốt hơn.
Bà Mật cùng con trai đang xử lý số rong biển thu mua từ người dân để cung cấp cho thương lái.
Thôn Vĩnh Trường có hơn 247 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu. Sau hơn 1 năm tỉnh Ninh Thuận có quyết định hủy thu hồi đất, nhiều người lên kế hoạch làm ăn, cải tạo đất đìa để đầu tư nuôi tôm, ốc hương...
Cơ sở hạ tầng, đường xá trong thôn được đầu tư, nâng cấp thuận tiện cho người dân đi lại.
Tấm bảng thông tin quy hoạch dự án nhà máy điện gắn trước nhà văn hóa thôn nay đã mục và được gỡ xuống.
Tại xã Phước Dinh, chính quyền đang triển khai 6 dự án. Trong số này có 2 dự án với tổng mức đầu tư 121 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, gồm: nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc phòng cũ (đường 701) với chiều dài hơn 3,7km; xây dựng mới 3 tuyến kết nối đường 701 với đường ven biển.
Trước đây, nhà máy 2 được dự tính xây tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) trên diện tích rộng 380ha, cách nhà máy 1 khoảng 35km. Có 823 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án.
Địa phương này vừa qua được UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư loạt công trình hạ tầng nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân sau khi quyết định hủy thu hồi đất có hiệu lực.
Trong số đó có dự án nâng cấp ao Bầu Tró đang được thi công, nhằm cung cấp nước sản xuất cho người dân.
Trưởng thôn Thái An - ông Nguyễn Hàn cho hay, ban đầu, người dân đồng thuận với chủ trương làm dự án nhưng sau đó chờ đợi lâu khiến 830 hộ dân với 2.850 nhân khẩu ở thôn luôn sống trong thấp thỏm.
“Chỉ hơn 1 năm sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận có quyết định hủy thu hồi đất, cuộc sống người dân trong thôn mới ổn định. Nhiều nhà cửa được sửa chữa, xây dựng mới” - vị trưởng thôn Thái An chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mẫn ở thôn Thái An kể rằng thời gian qua, người dân vẫn được trồng trọt nhưng không dám đầu tư lớn do chưa biết bị giải tỏa lúc nào. Giờ đây, với việc hủy bỏ thu hồi đất, ông cũng như người dân trong vùng đã có thể yên tâm hoạch định tương lai.
Thái An là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp, với việc trồng nho, táo, hành, tỏi và đi biển.
Đặc biệt, thôn này nổi tiếng về trồng nho với diện tích hơn 182ha. Nơi đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước khi đến với Ninh Thuận.
Trong ảnh là bà Nguyễn Thị Lọt, 58 tuổi, đang kiểm tra vườn nho rộng hơn 7.000 m2.
Trao đổi PV VietNamNet, ông Ngô Viết Kinh Luân - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải - cho hay trước đây, do vướng quy hoạch, người dân địa phương không thể đầu tư canh tác nông nghiệp, nhà cửa cũng không dám xây dựng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, tất cả giao dịch, tách thửa cũng bị cấm, kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều gia đình có con cái trưởng thành, muốn ra ở riêng nhưng không được tách thửa làm nhà.
Theo ông Luân, sau khi tỉnh có quyết định hủy thu hồi đất, chính quyền xã đã cấp các quyền sử dụng đất như cấp giấy chứng nhận, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích, đăng ký thế chấp vay vốn... để người dân ổn định cuộc sống.