Quân đội Hàn Quốc nói tên lửa trong vụ phóng ngày 13/4 đã di chuyển khoảng 1.000km trước khi rơi xuống biển, đồng thời cáo buộc Bình Nhưỡng có "hành động khiêu khích nghiêm trọng". Quân đội Hàn Quốc tiết lộ đang trong tình trạng cảnh giác cao độ và phối hợp chặt chẽ với đồng minh Mỹ.
Reuters dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định, đây dường như là loại tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc liên lục địa mới được trình làng tại các cuộc duyệt binh gần đây của Triều Tiên. Tên lửa có thể sử dụng nhiên liệu rắn và đạt độ cao tối đa thấp hơn 6.000km, mức đỉnh điểm thiết lập trong một số cuộc thử nghiệm phá kỷ lục hồi năm ngoái.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay (14/4) xác nhận, nước này đã thử nghiệm một tên lửa liên lục địa (ICBM) Hwasong-18 dùng nhiên liệu rắn một ngày trước đó. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chỉ đạo "vụ bắn thử đầu tiên của ICBM mới" và động thái không "tác động tiêu cực" tới sự an toàn của các nước láng giềng.
Dù chỉ trích vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng nhưng Washington vẫn đề nghị nối lại đàm phán. “Cánh cửa ngoại giao vẫn chưa đóng lại, nhưng Triều Tiên phải ngay lập tức chấm dứt các hành động gây bất ổn và thay vào đó lựa chọn tham gia các nỗ lực ngoại giao”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nhấn mạnh.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng lên án mạnh mẽ vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên và kêu gọi nước này khôi phục thương lượng về phi hạt nhân hóa.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngay sau động thái của Bình Nhưỡng, Tokyo và Washington đã điều lực lượng không quân tham gia các cuộc tập trận chung ở ngoài khơi đất nước mặt trời mọc, "trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn".
Tokyo cho biết thêm, việc ra cảnh báo sơ tán khẩn cấp đối với cư dân trên hòn đảo phía bắc Hokkaido sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng 13/4, rồi rút lại ngay sau đó là “phù hợp, không phải sai lầm”.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno giải thích, cảnh báo ban đầu nhằm bảo đảm an toàn cho người dân khi tên lửa biến mất khỏi màn hình radar. Sau khi phân tích kỹ lưỡng và thấy tên lửa không có khả năng rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, nhà chức trách mới dỡ bỏ khuyến cáo sơ tán.
>> Xem tin tức thế giới trên báo VietNamNet