Mặc dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn, miền núi, tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; người dân ở những khu vực này thường khó tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Việc triển khai các nền tảng số dùng chung được Bộ Y tế xác định là giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành y tế. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth) hiện là 1 trong 4 nền tảng số mà Bộ Y tế đang tập trung triển khai để giải bài toán khoảng cách về y tế.
VTelehealth là nền tảng khám chữa bệnh từ xa giúp kết nối bác sĩ và bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi. Nền tảng này cho phép người dân và các bác sĩ có thể liên lạc được với nhau, từ đó đưa ra sự hỗ trợ, tư vấn.
Đây còn là công cụ để các cơ sở y tế tuyến trên có thể hỗ trợ hội chẩn với các cơ sở y tế tuyến dưới. Nền tảng này cũng giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng hơn, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số sáng 10/4, ông Nguyễn Bá Hùng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Dịch vụ Chuyển đổi số (Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, Bộ Y tế) cho hay, nền tảng VTelehealth hiện đã xây dựng xong các chức năng cơ bản. VTelehealth có thể liên kết với các hệ thống tích hợp trao đổi dữ liệu, liên kết với các CSDL y tế như CSDL dược, đơn thuốc điện tử, CSDL quốc gia về dân cư.
Các thành phần của nền tảng VTelehealth bao gồm phần mềm cho Sở y tế và các cơ sở y tế địa phương. Phần mềm này có nhiều chức năng, từ quản lý cơ sở khám chữa bệnh, quản lý nhân viên y tế, thống kê, báo cáo,… Ở phía người dân, nền tảng hiện có ứng dụng cung cấp tính năng tư vấn sức khỏe từ xa.
Ông Hùng cho biết thêm, nền tảng VTelehealth hiện đã được chính thức triển khai ở tỉnh Khánh Hòa, Trà Vinh, Quảng Ninh và Bệnh viện Nhi Thái Bình. Tính đến ngày 14/3, trên hệ thống đã có hơn 1.700 bác sĩ tham gia với 300.000 người dân được khởi tạo hồ sơ quản lý và hơn 260.000 tài khoản tạo lập.
Trong đó, tỉnh Trà Vinh hiện là địa phương triển khai VTelehealth mạnh nhất với 67 cơ sở y tế và 300 bác sĩ tham gia, 88.000 người dân có hồ sơ, thực hiện 14.141 phiên khám tư vấn.
Ở các địa phương khác, Khánh Hòa có 17 cơ sở y tế, 567 bác sĩ tham gia VTelehealth, với 217.000 người dân có hồ sơ, thực hiện 856 phiên khám tư vấn. Quảng Ninh có 26 cơ sở y tế, 375 bác sĩ tham gia, 423 người dân có hồ sơ, thực hiện 134 phiên khám tư vấn.
Để thúc đẩy sự phổ biến của VTelehealth, hiện nhiều địa phương đã cử lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Vtelehealth trên điện thoại thông minh. Tuy vậy, theo Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, việc triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vẫn gặp không ít khó khăn thách thức. Hiện người dân vẫn chưa thấy được lợi ích của việc sử dụng VTelehealth nên ít có nhu cầu cài đặt ứng dụng.
“Người dân đã quen với việc đi khám chữa bệnh trực tiếp, đa phần người có nhu cầu khám chữa bệnh là người trung niên, lớn tuổi, mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường nên cần trực tiếp đến bệnh viện hoặc trạm y tế để khám và nhận thuốc. Với những đối tượng này, nhiều người không có điện thoại thông minh, hoặc không muốn sử dụng smartphone”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, đường truyền hình ảnh, video call đôi khi không ổn định, còn chậm và mất tín hiệu, gây ảnh hưởng đến chất lượng các ca tư vấn, khám chữa bệnh từ xa qua ứng dụng. Một vấn đề khác là hiện chưa có cơ chế chi cho khám chữa bệnh từ xa.
“Hiện mới chỉ có quy định về chi phí hội chẩn giữa cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới, còn việc tư vấn giữa người dân và bác sĩ phải chi trả như nào, một ca hết bao nhiêu thì vẫn chưa có. Điều này gây khó khăn cho công tác triển khai”, đại diện Bộ Y tế chia sẻ.
Trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phát triển thêm các tính năng mới trên VTelehealth để thuận tiện hơn cho người dân và các cơ sở y tế. Đó là tính năng đặt lịch khám online, tích hợp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.