Do khác biệt thị hiếu, thị trường phương Tây vẫn ưa chuộng các sản phẩm game offline bao gồm những trò chơi trên thiết bị cầm tay (handheld), máy tính và máy chơi game chuyên dụng (console). Thị trường mà được gọi chung là video game này có doanh thu tới gần 180 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, game console chiếm khoảng 92 tỷ USD, theo dữ liệu của IDC.
Trong đó, số liệu cho thấy Trung Quốc đang tích cực xuất khẩu game online ra toàn thế giới, đặc biệt là các game online trên di động. Tuy nhiên, game console vẫn là vùng đất bất khả xâm phạm mà đến nay mới chỉ có Nhật Bản ở khu vực châu Á là đã chiếm đóng thành công, do sớm tiếp thu văn hóa phương Tây từ cuối thế kỷ 19.
Miếng bánh khó xơi
Thực tế từ cách đây hơn 20 năm, các nhà phát triển Trung Quốc bắt đầu mò mẫm đưa một số sản phẩm đậm tính lịch sử ra nước ngoài, có thể kể đến như Prince of Qin hay Fate of Dragon. Một số studio từ ngày đó vẫn duy trì phát triển nhiều phiên bản game kiếm hiệp offline dù chỉ có ngôn ngữ tiếng Trung.
Vào thời kỳ nở rộ của Steam, các nhà phát triển Trung Quốc cũng tìm cách đưa sản phẩm của mình lên nền tảng phân phối game PC lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ và bối cảnh (thường là tiên hiệp, kiếm hiệp, lịch sử Trung Quốc) một lần nữa khiến các game Trung Quốc nhận lời chê bai tơi tả.
Thị trường game console vẫn là cuộc chơi chủ đạo của người Nhật và người Mỹ. |
Gần đây, tham vọng này lại nhen nhóm trở lại bằng thành công rực rỡ của Genshin Impact, một game nhập vai gacha mang phong cách Nhật Bản nhưng được phát triển và phát hành bởi studio độc lập miHoYo của Trung Quốc.
Mặc dù Genshin Impact là một game online nhưng nó sở hữu nhiều yếu tố về mặt bối cảnh, gameplay khá gần gũi với game console và được báo chí phương Tây chấm điểm review khá cao.
Giờ đây, niềm hy vọng lại được đặt cả vào Black Myth: Wukong, một game console đúng nghĩa được một studio độc lập của Trung Quốc phát triển, đặt mục tiêu phát hành năm 2023 trên PlayStation 5 và Xbox Series X/S.
Ở Black Myth: Wukong hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để làm nên một bom tấn phương Tây, đó là gameplay mang hơi hướng chặt chém hành động hiện đại, đồ họa tăm tối, cốt truyện biến tấu dựa trên danh tác Tây Du Ký. Nhưng để ra một sản phẩm hoàn thiện vẫn là cả một câu chuyện dài chưa thể kết luận ngay vào thời điểm này.
Tham vọng vội vàng
Các nhà phát triển game độc lập với vốn bé, ít kinh nghiệm thường đặt mục tiêu làm ra những sản phẩm để đời (one-hit wonder). Nhưng với những ông lớn như NetEase hay Tencent, câu chuyện là hoàn toàn khác.
Hồi tháng 3, hình ảnh bị rò rỉ từ bằng sáng chế cho thấy Tencent cũng muốn làm một máy chơi game đa dụng như Nintendo Switch, vừa là handheld vừa là console.
Tencent đang dốc toàn lực để bành trướng thị phần game ra nước ngoài. |
Tham vọng này càng hiện rõ khi Tencent bỏ tới 1,3 tỷ USD để mua nhà phát triển Anh quốc Sumo Group, một studio có thừa kinh nghiệm trong việc sản xuất các game console. Từ đầu năm tới nay, Tencent đã đầu tư vào 51 thương vụ thâu tóm, mà một nửa nhắm đến thị trường console, theo thống kê của Niko Partners.
Tencent có lý do để đẩy nhanh tiến độ của dự án đầy tham vọng, bởi thị trường game console nội địa đã mở toang cho Nintendo hay Microsoft nhảy vào. Trong khi đó, các ông lớn công nghệ như Alibaba hay ByteDance cũng bắt đầu quan tâm tới mảnh đất màu mỡ này.
Người phương Tây thích các sản phẩm phong cách phương Tây, nhưng vấn đề là game thủ Trung Quốc yêu thích game console cũng có sở thích tương tự. Đó là lý do Tencent hay NetEase đã phải vội vã lập studio ở thủ phủ game Montreal, Canada.
Nhưng chỉ nhanh thôi là chưa đủ, Tencent và các nhà phát triển Trung Quốc nói chung vẫn còn quá ít kinh nghiệm so với các studio Nhật, châu Âu hay Bắc Mỹ mà sẽ rất khó có thể khỏa lấp trong ngắn hạn.
Phương Nguyễn
Vì sao Tencent không tiếc tiền mua lại các hãng game?
Liên tục bỏ ra hàng tỷ USD thâu tóm các hãng game, Tencent đang lộ rõ tham vọng tấn công thị trường phương Tây trong khi bỏ ngỏ thị trường Trung Quốc ngày càng bị siết chặt.