Theo thông báo chính thức, từ hè năm nay Zipair đã bắt đầu đưa vào thực đơn các món ăn như dế nướng, một loại thực phẩm được cho là giàu dinh dưỡng và protein.
Ngoài ra, hãng hàng không Nhật Bản còn phục vụ món bánh mì kẹp thịt sốt ớt với cà chua và mì ống, ăn kèm dế nghiền có giá 1.500 yên (11,30 đô la Mỹ).
Là công ty con của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản Japan Airlines, Zipair bắt đầu hoạt động chở khách thương mại từ tháng 10/2020 và bay từ Narita đến Singapore; Seoul (Hàn Quốc); Bangkok (Thái Lan); Honolulu và Los Angeles (Mỹ). Hãng đang hợp tác với công ty công nghệ thực phẩm Gryllus để phục vụ những bữa ăn đặc biệt kể trên cho hành khách và đại diện Zipair cho biết đến nay chưa có bất kỳ khiếu nại nào.
Mark Matsumoto, phát ngôn viên của hãng hàng không chia sẻ: “Mặc dù chúng tôi vẫn đang xem xét phản hồi của khách hàng, nhưng Zipair đã nhận được hơn 60 đơn gọi các món ăn từ dế kể từ khi được triển khai".
Động thái này của Zipair được cho là nhằm ủng hộ mục tiêu phát triển bền vững cũng như giảm lượng rác thải thực phẩm do Liên Hợp Quốc công bố vào năm 2015, Matsumoto nói rằng hãng luôn tâm niệm rằng các biện pháp bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mình.
Ông nói: “Để đạt được mục tiêu giảm thất thoát thực phẩm, Zipair hiện chỉ chuẩn bị và xếp các suất ăn đã được đặt trước, nghĩa là chúng tôi không chuẩn bị các suất ăn dựa trên số lượng hành khách trên mỗi chuyến bay. Và vì cả Zipair và Gryllus đều có mục tiêu chung là giảm thất thoát lương thực, nên việc hai công ty hợp tác phát triển những suất ăn này là rất hợp lý. Báo cáo của Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng trong 30 năm tới, dân số toàn cầu sẽ thiếu hụt thực phẩm từ động vật, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các công ty đang phát triển và giới thiệu các lựa chọn bữa ăn bền vững để đóng góp vào cải thiện xã hội”.
Các đầu bếp của hai công ty đã mất khoảng ba tháng để hoàn thiện công thức cho hai món ăn, với mùi thơm của bột dế nghiền tương tự như mùi đậu nành.
Gryllus được thành lập vào năm 2019 bởi Takahito Watanabe, giáo sư sinh học phát triển tại Đại học Tokushima, miền nam Nhật Bản. Ông Watanabe luôn mong muốn nuôi dế ở quy mô công nghiệp và biến chúng thành nguồn thực phẩm.
Trên trang web của mình, công ty cho biết triết lý của họ là tạo ra một “sự hài hòa mới” giúp giải quyết vấn đề như chất đạm bị lãng phí, phát triển chu trình thực phẩm toàn cầu và cung cấp thực phẩm lành mạnh.
Dế thường được dùng làm đồ ăn vặt ở vùng nông thôn Nhật Bản. Công ty cho biết, nuôi dế đặc biệt thân thiện với môi trường; chúng đòi hỏi rất ít đất, nước hoặc thức ăn chăn nuôi, trong khi tỷ lệ chuyển hóa thức ăn - tỷ lệ trọng lượng tăng lên thành thức ăn tiêu thụ - cao hơn nhiều so với lợn, bò thịt hoặc gà.
Watanabe và các nhà nghiên cứu của ông đang xem xét các giá trị dinh dưỡng chính xác của dế và cách tốt nhất để chúng có thể được kết hợp vào thức ăn, với nghiên cứu cho đến nay xác định rằng loại côn trùng này chứa nhiều canxi, magiê, kẽm, sắt, vitamin và chất xơ.
Ngoài việc được biến thành thực phẩm, dế còn có thể được chế biến thành mỹ phẩm và dược phẩm, cũng như phân bón.
Những con nhện lớn, mọt, ve sầu và thậm chí cả gián đang được các một số công ty khác ở Nhật coi là nguồn thực phẩm và Zipair cho biết hãng hoàn toàn hưởng ứng điều này.
Matsumoto nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét mức độ hài lòng của khách hàng đối với các bữa ăn trên chuyến bay và nếu nhận được phản hồi tích cực theo, thì khả năng cao Zipair sẽ mở rộng những lựa chọn trong thực đơn của mình".
Đỗ An (Theo SCMP)