Bệnh viện tuyến huyện nợ hàng chục tỷ
Nhiều năm gần đây, tại các Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Bệnh viện TP Hà Tĩnh… xảy ra tình trạng nợ công lên tới hàng chục tỷ.
Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, tổng số công nợ lên tới hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền thuốc, vật tư kéo dài từ 2019 đến nay là hơn 17,5 tỷ đồng; nợ tiền trực ca, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ gần 2,5 tỷ đồng; nợ 1,8 tỷ đồng tiền công khám tại các trạm y tế xã trên địa bàn….
Một cán bộ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê cho biết: “Thời điểm này, bệnh viện đang khó khăn chung, nhưng vài năm nay, tôi thức đêm trực, làm các thủ thuật nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền công. Mong lãnh đạo sớm có các giải pháp để đáp ứng quyền lợi của người lao động”.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê xác nhận thông tin trên. Ông Bình cho biết, gần 4 tháng nay, sau khi được bổ nhiệm vị trí giám đốc, ông xoay xở, tìm nguồn tài trợ để đầu tư trang thiết bị máy móc… nhằm mục đích “kéo” doanh thu cao để tháo gỡ công nợ song vẫn rất khó khăn.
Giám đốc bệnh viện này cho rằng, đây là nợ tồn đọng từ thời giám đốc cũ để lại. Nguyên nhân một phần do hậu quả của dịch Covid-19, phần nữa là chưa được Bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán do bội chi so với định mức được giao.
“Bệnh viện phải tự chủ 100% về chi thường xuyên nên khó khăn trong việc tháo gỡ công nợ. Máy móc, trang thiết bị xuống cấp, công tác đấu thầu tập trung bị vướng mắc nên trôi nguồn, không mua sắm được. Dù khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên, còn tiền trực ca thì vẫn đang nợ”, ông Bình nói.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, hiện phía BHXH chưa thanh toán số tiền khoảng 10 tỷ đồng, trong đó từ năm 2019 đến nay, số tiền vượt tổng mức thanh toán hơn 6,5 tỷ đồng. Ngoài số tiền vượt trần và vượt tổng mức mà BHXH đang giữ lại thì có một số hạng mục như chi phí chênh lệch gây tê gây mê, trong suốt 4 năm qua, BHXH không đưa vào quyết toán.
Lấy tiền mua vật tư để trả lương cho cán bộ
Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Đình Thiện, Giám đốc bệnh viện thông tin, từ khi ông nhận bàn giao lãnh đạo vào tháng 11/2022, bệnh viện gánh khoản nợ 19,7 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền hóa chất vật tư là 14,9 tỷ, nợ tiền công khám của các cán bộ trạm y tế xã xấp xỉ 2 tỷ đồng, nợ tiền trực ca, thủ thuật kỹ thuật gần 3 tỷ đồng.
Ông Thiện cho biết, nguyên nhân một phần do BHXH “treo” tiền nên dẫn đến tình trạng âm. Từ 2017 đến nay, bệnh viện tự chủ nhóm 2, nhiệm vụ phải trả lương, tiền trực, phụ cấp, vật tư tiêu hao và chi thường xuyên.
“Ngoài ra, sau một vài sự cố tại bệnh viện dẫn đến tình trạng bệnh nhân giảm mạnh. Các bác sĩ có phòng khám ngoài giờ hành chính, thu hút bệnh nhân về phòng khám, cũng ảnh hưởng một phần đến doanh thu của bệnh viện. Dịch bệnh Covid-19 cũng tác động không nhỏ tới bệnh viện... Thiếu tiền lương của cán bộ, nhân viên thì bắt buộc phải lấy tiền mua vật tư sang để trả lương, dẫn đến tình trạng nợ tiền thuốc, vật tư kéo dài”, ông Thiện nói.
Theo thống kê của Bệnh viện TP Hà Tĩnh, hiện tại bệnh viện đang nợ gần 27 tỷ đồng, trong đó gần 4 tỷ tiền thủ thuật, phẫu thuật của nhân viên.
Theo bệnh viện này, BHXH đang nợ bệnh viện 53 tỷ đồng. "Từ năm 2018 tới 2020, BHXH mới tạm ứng cho bệnh viện 80% và "treo" 20%. Vì thế, chúng tôi phải nợ tiền thủ thuật, phẫu thuật của nhân viên từ năm 2020 đến nay với số tiền gần 4 tỷ đồng. Mới đây, bảo hiểm đã thông báo sẽ thanh toán cho bệnh viện 23 tỷ đồng nằm trong dự toán, số tiền này sau khi về chúng tôi sẽ trả bớt tiền cho các doanh nghiệp mà bệnh viện đang nợ vật tư, hóa chất", đại diện Bệnh viện TP Hà Tĩnh nói.