Mới đây, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (53 km)
Ông Nguyễn Văn Trường, giám đốc doanh nghiệp này xin Thủ tướng xem xét, chấp thuận chỉ định thầu cho doanh nghiệp, đồng thời xin hứa sẽ huy động mọi nguồn lực để thi công đảm bảo rút ngắn tiến độ từ 3 đến 6 tháng; tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng); tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng Dự án.
Ngoài doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh cũng xin được chỉ định tham gia thi công đoạn cao tốc Bắc Nam Vạn Ninh - Cam Lộ.
Ngoài ra, một số nhà thầu như Trung Nam, Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Vinaconex; Hưng Thịnh… cũng xin được chỉ định thầu và cam kết thi công vượt tiến độ 3-6 tháng, tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.
Thậm chí, có liên danh như DIC Corp - Him Lam (xin nhận thầu cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) cho biết đã làm việc với các tổ chức tín dụng như Sacombank, LienVietPostBank để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình. Được biết, danh sách xin được chỉ định thầu sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm những “ứng viên” máu mặt khác.
Theo Nghị quyết 18 của Chính phủ về triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) với gói thầu xây lắp các dự án thành phần; tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu và các gói thầu quan trọng khác (nếu thấy cần thiết). Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT.
Một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT mới chỉ nhận được một hai đề xuất từ các doanh nghiệp xin chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (2021-2025) từ Chính phủ gửi xuống.
Về tiêu chí lựa chọn nhà thầu, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin thêm, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT xây dựng, Bộ GTVT chỉ là cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có tiêu chí cụ thể trong lựa chọn nhà thầu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.
Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã có công văn về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng xem xét áp dụng khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đối với các gói thầu thuộc các dự án của ngành GTVT; đề xuất áp dụng quy định giá trị hợp đồng tương tự thấp hơn thông lệ (70%) hoặc quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình có hạng mục tương tự với hạng mục công trình của gói thầu được chỉ định.
Các nhà thầu phải đáp ứng nguồn lực tài chính theo hướng quy định nhà thầu được chỉ định phải thực hiện đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản kinh phí nhất định để phục vụ việc thi công gói thầu. Những nội dung yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm sẽ do Bộ GTVT đề xuất.
Để tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu hay tập trung chỉ định cho một số nhà thầu dẫn đến không đảm bảo tiến độ, chất lượng, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung một số tiêu chí về phân chia gói thầu, trong đó có việc không phân chia dự án thành quá nhiều gói thầu khác nhau có tính chất tương tự trong cùng một dự án; quy mô gói thầu được xác định phù hợp với khả năng triển khai của nhà thầu trong nước.
Ngăn chặn việc bán thầu
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông, cho rằng, Bộ KHĐT và Bộ GTVT cần sớm đưa ra tiêu chí phân chia gói thầu cũng như đánh giá năng lực nhà thầu. Ngoài tiêu chí năng lực nhân lực, thiết bị, kinh nghiệm thì năng lực quản trị (tổ chức lao động khoa học và kỹ năng quản trị), mức độ minh bạch năng lực tài chính cũng cần được đánh giá cụ thể, đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ.
Ông Trần Xuân Sanh, nguyên Cục trưởng Quản lý và xây dựng chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, chỉ định thầu sẽ rút ngắn được thời gian thi công gói thầu từ 3-6 tháng nên yêu cầu nhà thầu được chỉ định phải có năng lực thực sự về tài chính, máy móc thiết bị thi công cũng như kinh nghiệm đã thi công các dự án giao thông lớn.
“Chỉ định thầu phải xem xét đánh giá toàn diện năng lực của nhà thầu, khi nhà thầu đáp ứng đủ điều kiện đảm bảo năng lực thi công rồi thì mới trình để cơ quan nhà nước xem xét, lựa chọn. Tuy nhiên, việc đánh giá có khách quan hay không thì cần phải có tiêu chí cụ thể chứ không phải cứ đề xuất là lựa chọn”, ông Sanh nói.
Cũng theo chuyên gia giao thông, điều quan trọng trong chỉ định thầu là tránh tình trạng bán thầu. Tránh tình trạng nhận gói thầu xong lại bán thầu cho các nhà thầu phụ để hưởng phần trăm.
Đặc biệt, phải thẩm định rõ năng lực tài chính, khả năng thi công ngay với cả nhà thầu có kinh nghiệm, tránh tình trạng lựa chọn nhà thầu cùng lúc thi công nhiều công trình lớn dẫn đến nguồn lực bị phân tán, không đủ máy móc, thiết bị cùng lúc thi công nhiều công trình.
Vũ Điệp