Sản xuất công nghệ cũ
Tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược" ngày 20/7 diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia về dược phẩm đã đưa ra các ý kiến trao đổi để phát triển ngành dược.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, trong luật Dược năm 2016 đã dành một chương về phát triển công nghiệp dược, dược liệu trong nước đặc biệt là các loại thuốc hiếm, thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, thuốc công nghệ cao. Ông Hùng khẳng định các chính sách phát triển ngành dược tương đối đầy đủ và sẵn sàng nhưng vẫn “nghẽn” trong thu hút đầu tư phát triển.
Trước đây, Việt Nam chỉ có các công ty nhà nước, hiện đã cổ phần hóa. Số lượng nhà máy nhiều và phát triển nhanh nhưng doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư nước ngoài chưa nhiều, chủ yếu tập trung các thuốc generic, thuốc có hàm lượng khoa học công nghệ tương đối cổ điển, chưa có thuốc phát minh (biệt dược gốc, là thuốc được cấp phép lưu hành đầu tiên, trên cơ sở đã có đầy đủ các số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu quả).
Đối với vắc xin, theo ông Hùng, Việt Nam đã sản xuất được 11/12 loại vắc xin tiêm trong chương trình mở rộng quốc gia, tuy nhiên công nghệ sản xuất vẫn là công nghệ cũ. Hiện tại, nhiều công nghệ chuyển gia sản xuất vắc xin mới đã được áp dụng nhưng vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ đầu tư phát triển dược của doanh nghiệp nội tại chưa cao.
Theo ông Hừng, tỷ lệ đào tạo nhân lực dược không thiếu nhưng Việt Nam chưa thu hút được dược sĩ trình độ cao để phát huy và thúc đẩy phát triển ngành dược phẩm trong nước.
Chi phí lớn, rủi ro cao
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội, cho biết, để phát triển ngành dược cần cả nhân lực và tiềm lực kinh tế rất mạnh. Trong đó, nhân lực là điều kiện quan trọng để quyết định việc phát triển lĩnh vực này.
Nói về nhân lực, theo ông Nam riêng lĩnh vực đào tạo đã có 41 cơ sở đào tạo, tổng số sinh viên dược đang theo học là 37.000, năm 2023, khoảng 6.800 dược sĩ tốt nghiệp, cao hơn chục năm trước rất nhiều. Trong số đó, khoảng 1.000 dược sĩ sẽ tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất dược phẩm.
Ngoài ra, nhân lực từ cử nhân hóa dược (13 cơ sở đào tạo từ 60-100 sinh viên tốt nghiệp/năm/cơ sở) cũng đủ đáp ứng cho ngành nghiên cứu dược phát minh, hóa dược. Giáo sư Nam cho biết hiện còn một nguồn nhân lực hóa dược đã đào tạo ở nước ngoài, họ cũng có xu hướng quay về Việt Nam để làm việc... Nếu chúng ta giải quyết hết được các khâu cơ chế, bài toán kinh tế thì khối dược sĩ, cử nhân hóa dược, y sinh học cũng có thể giúp dược nội địa phát triển.
Hiện, cả nước có 342 công ty dược, các công ty này đang phát triển nhanh. Nhiều công ty doanh thu hàng năm lên tới 5.000 tỷ. Tuy nhiên, doanh thu này không “nhằm nhò” gì so với các doanh nghiệp dược nước ngoài. Họ vẫn chưa tiếp cận với các nghiên cứu thuốc mới, thuốc phát minh. Theo giáo sư Nam nguyên nhân do đầu tư vào nghiên cứu thuốc phát minh rủi ro, chi phí rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam chưa có chương trình vay vốn ưu đãi cho công nghiệp dược phẩm công nghệ cao.
Để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào dược công nghệ cao, ông Nam cho rằng nhà nước có thể ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp khi họ chấp nhận đầu tư mạo hiểm về dược phát minh. Các sản phẩm đó được hưởng chính sách miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Bộ Y tế cũng cần có các danh mục như thế nào là thuốc công nghệ cao, có chính sách đầu thầu khác với các thuốc như hiện nay, mới khuyến khích các công ty phát triển, nghiên cứu.
Trong thời gian tới, ông Nam cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính. Bởi nhiều công ty dược nước ngoài e dè vào Việt Nam vì thủ tục hành chính mất nhiều thời gian.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, cho rằng về mặt đầu tư, nguồn vốn FDI rót vào mảng dược phẩm, y tế còn thấp. Đây là ngành có sự thay đổi chậm hơn so với các ngành khác. Trước đây, 100% lĩnh vực này do Nhà nước sở hữu chi phối. Sau đó, qua quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân mới tham gia vào. Tuy nhiên, doanh nghiệp cổ phần hóa với những con người cũ, tư duy cũ, quy trình cũ nên không thể chuyển hóa nhanh.
Cũng theo ông Sử, về phía doanh nghiệp tư nhân, họ cũng gặp rào cản lớn trong gia nhập thị trường bởi lĩnh vực dược phẩm, y tế là lĩnh vực cần uy tín cao, đi sau sẽ vấp phải vấn đề niềm tin. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư cần nhiều nhưng xác suất để phát triển thành công một sản phẩm và có thể đưa ra thị trường là rất thấp.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự phát triển của ngành dược tập trung vào đổi mới sáng tạo và hàm lượng công nghệ cao sẽ có giá trị lan tỏa rộng sang các ngành nghề khác và mang lại các lợi ích kinh tế và xã hội.