Chuyến xe 0 đồng
Đang ở nhà, chuông điện thoại reo lên, anh Trần Anh nhấc máy: “Chuyến xe 0 đồng xin nghe”. Đầu dây bên kia, giọng người đàn ông trung niên mong muốn được anh chở con trai về quê miễn phí.
Sau cuộc gọi, anh Trần Anh (46 tuổi, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cười và nói: “Mỗi ngày trung bình khoảng 3 cuộc gọi điện như vậy, không kể ngày đêm, lúc nào có người gọi là tôi lên đường chở người bệnh miễn phí”.
Anh tất tả ra xe, chạy đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đưa người bệnh về nhà vào chiều muộn ngày cuối năm. Trên chuyến xe đó, nhiều câu chuyện vui, buồn được anh Anh trải lòng.
Anh tâm sự, từ nhỏ anh xuất thân từ gia đình lao động, bươn chải đến các tỉnh làm thuê, mướn. Đến bây giờ, anh và vợ có một xưởng nội thất, vườn cây cảnh… Kinh tế dần ổn định, anh quyết tâm làm điều gì đó giúp đời, và ý nghĩ về chuyến xe 0 đồng đưa người dân đến bệnh viện, hoặc đưa từ bệnh viện về nhà được thực hiện.
Cầm vô lăng, anh kể: “Khởi nguồn chiếc xe này bắt đầu từ đại dịch Covid-19. Năm 2021, lúc giai đoạn căng thẳng nhất của đỉnh dịch, thấy nhiều cảnh đời khó khăn trong việc di chuyển đến bệnh viện, tôi quyết tâm mua xe cấp cứu chở người bệnh trên địa bàn huyện đến trung tâm y tế miễn phí”.
Có xe là vậy, nhưng để giúp người dân đến bệnh viện cũng lắm gian nan, nhiều người nằm lại trên chính chiếc xe cứu hộ của anh. “Những lúc như vậy thực sự rất buồn, mình cố gắng hết sức, nhanh nhất có thể nhưng cuối cùng không giành giật lại sự sống cho họ”, anh Anh bùi ngùi.
Một ngày anh nhớ mãi vào thời điểm đỉnh dịch Covid-19, khoảng thời gian từ 0h đến 4h sáng, anh nhận được cuộc gọi có 3 ca bệnh nặng ngay tại xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành).
Anh vội vàng lên đường chở người bệnh đến bệnh viện. “Về đến nơi, tôi biết được cả 3 ca đều đột quỵ, sợ chậm trễ nên tôi nhanh chóng chở đến bệnh viện. Điều đáng buồn sau đó khi 2 người không qua khỏi. Buồn nhiều lắm nhưng mình vẫn phải cố gắng từng ngày em à”, anh xúc động kể.
Công việc chuyến xe 0 đồng này có nhiều nỗi buồn, nhưng cũng lắm phần bất ngờ và đôi lúc vui mừng. Câu chuyện được anh nhớ nhất cách đây tầm 4 tháng. Lúc đó, một cụ già ở xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) ngưng thở.
“Tôi đến với bình oxy trên xe, vì được đào tạo nghiệp vụ trước nên tôi gắn máy thở cho bà. Nghĩ rằng bà không qua khỏi vì bà lịm hẳn, nhưng may sao đến bệnh viện, bà tỉnh táo lại rồi sau đó còn trò chuyện. Nhớ nhất lúc tỉnh lại, bà còn hỏi một câu khiến mọi người đều phá lên cười rằng: “Chở bà đi đâu đây?”, anh Anh nhớ lại.
‘Thù lao’ bằng lời cảm ơn
Xe chạy một hồi thì đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, “nhiệm vụ” của anh hôm nay là chở một người bệnh nhân chấn thương sọ não về quê Quảng Ngãi. Đến bệnh viện, anh xuống xe, chỉnh sửa lại cáng, chỗ ngồi cho người nhà.
Nhân viên y tế đưa người bệnh ra xe, anh Anh giữ băng ca đẩy lên nhẹ nhàng tránh bệnh nhân bị ảnh hưởng do va đập.
Cơn mưa chiều cuối năm tầm tã, trên chuyến xe cấp cứu 0 đồng, ông Nguyễn Thanh Sơn (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cha của bệnh nhân) ngấn lệ kể, gia đình ông nghèo khó, con trai bị chấn thương sọ não hơn 1 tháng. Sau thời gian điều trị, sức khoẻ dần ổn định, bệnh viện cho về nhà, nay được sự giúp đỡ của anh Anh, ông vui mừng khôn xiết.
“Tôi được y bác sĩ giới thiệu chuyến xe 0 đồng nên đã gọi nhờ sự hỗ trợ. May mắn được anh Anh giúp đỡ, gia đình bớt một gánh nặng về chi phí. Tôi thực sự cảm kích tấm lòng của anh, hi vọng anh sẽ giúp được nhiều người khó khăn nữa hơn trong cuộc sống”, ông Sơn chia sẻ.
Anh Anh kể, niềm vui của anh trong công việc này là những lời cảm ơn, những lời động viên của mọi người, và điều vui nhất là sự động viên, ủng hộ của chính người vợ của mình. Thấy thông tin của anh trên mạng xã hội, nhiều mạnh thường quân trên mọi miền Tổ quốc, cả những người từ nước Mỹ xa xôi cũng muốn gửi tiền cho anh để động viên tinh thần nhưng anh từ chối.
Anh tiếp lời: “Tôi làm vì cái tâm, những gì bản thân có nhằm giúp đời, giúp người. Mọi người đều có ý tốt muốn đóng góp nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ nhận tấm lòng, thế là niềm vui trọn vẹn. Và chắc chắn tôi sẽ làm tiếp cho đến lúc nào không đủ sức”.