Hơn 10 năm qua, nhiều hộ dân tại tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) sống thấp thỏm trong những căn nhà cũ kỹ, mục nát và ẩm thấp.
Khu đất này thuộc nhà máy cơ khí số 5 (nằm trong dự án quy hoạch chậm tiến độ) hiện nay được thuê làm nhà xưởng. Khu ở xập xệ của người dân được chia ra làm 3 dãy chính, nằm ngay cạnh công ty cơ khí, chỉ cách một bức tường bao bằng tôn.
Mái nhà lợp tạm bợ, người dân sống trong cảnh dột nước ngày mưa, nóng nực ngày nắng. Hơn thế, đây còn là nơi sinh sống của những gia đình đã qua nhiều thế hệ, từ người già đến trẻ nhỏ. Khu vực ao hồ xung quanh cũng thuộc diện quy hoạch nên bỏ hoang, không nuôi trồng.
Diện tích nhỏ hẹp, nhiều gia đình lại có tới 3 thế hệ ở chung một căn nhà cấp 4. Do vậy họ phải cơi nới bếp và nhà vệ sinh ra ngoài một cách tạm bợ.
Căn nhà của bà Lê Thị Vân (73 tuổi) có tuổi đời hơn 50 năm, hiện có tới 4 thế hệ sống trong căn nhà ẩm thấp với nhiều vết bong tróc. “Chúng tôi chỉ hy vọng được cấp giấy quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Để xây sửa lại căn nhà cho kiên cố, gia đình tôi đang chắp vá tạm thời những chỗ hỏng hóc, nhưng cũng không ăn thua", bà Vân nói.
Trên tường lộ rõ những lớp xi măng đắp tạm do bị bục, lâu ngày không sửa chữa, nước mưa ngấm vào. Bà Vân dùng gạch kê đồ đạc trong nhà lên cao đề phòng mưa lớn nước tràn vào nhà gây hư hại tài sản.
Mỗi khi mưa lớn, chị Ngân (con ruột bà Vân) phải dùng chậu và giẻ lau để hứng nước dột từ trên mái nhà. "Gia đình cũng động viên nhau tích góp, vay mượn xây lại nhà cho khang trang, nhưng muốn làm điều đó phải xin phép cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, khu vực này cũng đang trong dự án treo, e là khi xây xong họ lại giải tỏa nên cũng khó có phương án tốt", chị Ngân chia sẻ.
Phía trong căn bếp một số gia đình vẫn còn dùng than củi để nấu ăn bằng những dụng cụ thô sơ.
Gia đình bà Phương cũng như nhiều hộ dân sống xung quanh cũng đã quen cảnh nhà lụp xụp. Thậm chí, họ còn phải dùng những thanh sắt để gia cố tránh gió to có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Tận dụng khoảng trống trước nhà, bà Phương trồng ít rau củ để tiết kiệm thêm chi phí sinh hoạt cho gia đình. “Tiền không có, chạy được bữa nào hay bữa đấy. Chỉ mong sao có giấy tờ sở hữu đất hợp pháp để người dân có chỗ ở tử tế, ổn định cuộc sống", bà nói.
Căn phòng rộng 9m2 của ông Trần Văn Năm được dựng bằng những tấm vách ngăn tường tạm bợ. “Mùa hè nóng, mùa đông thì lạnh. Sống lủi thủi một mình ở đây cũng quen rồi, hoàn cảnh nó thế cũng không biết làm như thế nào”, ông Năm tâm sự.
Anh Bắc ngồi trầm ngâm trước cửa nhà: “Chỉ lo cho các đời con chúng tôi, không biết bao giờ chúng nó mới có căn nhà tử tế để ở. Dự án còn treo thêm ngày nào thì chúng tôi còn thấp thỏm, lo lắng ngày đấy”.
Bà Vân lo cho tương lai cho các cháu, khi sau này bà "nhắm mắt xuôi tay" không biết chúng sẽ ra sao, có được sống trong căn nhà tử tế hay không.
Ông Nguyễn Đức Tín (tổ trưởng dân phố Nhuệ Giang) cùng với nhiều gia đình khác đã nhiều năm gửi đơn lên các sở, ban ngành của Hà Nội để xem xét, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Tổ dân phố có khoảng 370 hộ tương đương 1.500 dân sinh sống trên diện tích quy hoạch cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm từ năm 2008.
Tuy nhiên dự án treo suốt từ đó đến nay. "Dự án treo đồng nghĩa với việc đời sống sinh hoạt của các gia đình nằm trong quy hoạch dự án gặp vô vàn khó khăn. Tại đây chúng tôi sống trong cảnh như: không được xây dựng, cơi nới nhà cửa; không được tách thửa; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp ngân hàng; muốn đầu tư làm ăn lâu dài cũng không xong vì không biết cụ thể thời gian giải tỏa", ông Tín khẳng định.
Hiện nay các gia đình chỉ được phép sửa sang bằng những tấm tôn và cơi nới gác xép bằng sàn gỗ, không được đổ trần hay nhà bằng bê tông. Người sinh sống tại đây đa phần là người lớn tuổi. Các thế hệ sau đã chọn cách bỏ đi nơi khác thuê nhà và mua đất.
Khu vực dự án treo nhiều năm. Ảnh: Google Maps.
Cần hơn 4.100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng dự án ‘treo’ 25 năm Tỉnh Quảng Nam đề xuất chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho làng Đại học Đà Nẵng hơn 4.164 tỷ đồng, nếu không đủ nguồn vốn thì giảm diện tích từ 160ha xuống còn 50ha.