Vượt Tesla của Elon Musk
Từng bị tỷ phú Mỹ Elon Musk giễu cợt hồi năm 2011, gã khổng lồ xe điện BYD của Trung Quốc sau đó bứt phá như vũ bão và chính thức vượt hãng ô tô điện Tesla vào cuối năm 2023.
Sau 2 thập kỷ phát triển, BYD không những không lụi tàn ở sân nhà như cảnh báo của Elon Musk mà đã trở thành nhà sản xuất xe điện bán nhiều nhất thế giới trong quý IV/2023.
Vậy đâu là điểm mạnh, là bí quyết giúp BYD thành công, vượt qua hãng xe điện Mỹ và đang tấn công sang các thị trường khác trên phạm vi toàn cầu?
Câu trả lời có lẽ là yếu tố con người, những nhà lãnh đạo xuất sắc, có nền tảng công nghệ hỗ trợ tốt, có nguồn lực từ hoạt động kinh doanh trước đó, dòng tiền từ tỷ phú Mỹ Warren Buffett, sự ủng hộ từ chính quyền Bắc Kinh…
Năm 1995, Lu Xiangyang (Lã Hướng Dương) và Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) đã thành lập Build Your Dreams (BYD) - một công ty sản xuất pin và ô tô điện tại Thâm Quyến - trung tâm công nghệ lớn của Trung Quốc với số vốn khoảng 350.000 USD và chỉ vài chục nhân viên.
Wang Chuanfu được biết đến là nhà hóa học nổi tiếng. Trong khi đó, Lu Xiangyang là một chuyên gia tài chính, từng làm việc tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và là Giám đốc Chi nhánh An Huy của ngân hàng khi chưa đến 30 tuổi.
Năm 2002, BYD niêm yết cổ phiếu trên TTCK Hong Kong (Trung Quốc) và mở ra một giai đoạn phát triển mới. Tới năm 2011, BYD niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.
Tính tới ngày 3/5, BYD có vốn hóa hơn 86 tỷ USD, cao hơn hãng xe Porsche (81,5 tỷ USD) và Mercedes-Benz (81 tỷ USD) của Đức.
BYD được hỗ trợ bởi các tập đoàn đứng sau như Rongjie Investment Holding Group (của Lu Xiangyang) - một tập đoàn lớn tích hợp các hoạt động công nghiệp, phát triển công nghệ và đầu tư tài chính.
Cũng nhờ Wang Chuanfu, BYD ban đầu phát triển mạnh ở mảng sản xuất pin đến khai khoáng và chất bán dẫn. Đây chính là nền tảng đằng sau thành công của thương hiệu xe điện BYD của Trung Quốc.
Năm 1996, BYD bắt đầu sản xuất pin lithium-ion - loại pin được sử dụng trong điện thoại thông minh. BYD cung cấp pin cho Motorola, Nokia rồi sau này là ông lớn khó tính Apple. BYD đầu tư rất nhiều vào đổi mới công nghệ pin.
Dựa trên công nghệ pin, năm 2003, BYD mua lại hãng xe ô tô nhỏ Xi'an Qinchuan Automobile. Năm 2008, BYD trình làng chiếc xe lai xăng điện plug-in hybrid đầu tiên và cùng năm nhận 230 triệu USD từ Berkshire Hathaway của huyền thoại đầu tư Warren Buffett.
Kinh nghiệm sản xuất pin lâu năm giúp BYD năm 2020 tung ra pin Blade (pin lithium iron phosphate), có năng lượng ổn định và độ an toàn cao. Và pin này đã được BYD đưa vào dòng xe trở thành đối thủ của chiếc Model S của Tesla.
BYD sở hữu nhiều bằng sáng chế trong lĩnh vực xe điện, các công nghệ mới độc quyền như pin lưỡi dao (blade battery), CTB (cell-to-body - các cell pin lắp thẳng vào khung xe)....
Một điểm đáng lưu ý là BYD không nhảy ngay vào lĩnh vực xe điện thuần túy mà đẩy mạnh bán xe hybrid. Đây cũng là điều mà nhiều hãng xe hơi lớn trên thế giới như Toyota làm. Xe thuần điện giai đoạn đầu giá cả chưa đủ thấp để cạnh tranh với xe xăng và hạ tầng trạm sạc còn ít. Cho tới năm 2023, tỷ lệ xe thuần điện và hybrid của BYD vẫn ở khoảng tỷ lệ 50-50. Đây là có lẽ là chìa khóa thành công ban đầu của BYD.
Một yếu tố cũng là thế mạnh của BYD là việc định vị ở thị trường tầm trung, nơi có ít đối thủ cạnh tranh hơn, qua đó giúp ông lớn Trung Quốc gia tăng doanh thu và vượt qua Tesla.
Sự ủng hộ to lớn của Bắc Kinh với khoản hỗ trợ lên tới hàng tỷ USD cũng là thế mạnh của BYD khi bán hàng giá rẻ ở Trung Quốc cũng như các thị trường quốc tế.
Cuộc chiến xe điện khốc liệt, khó khăn còn nhiều
Mặc dù tăng trưởng rất nhanh với sự lèo lái tài tình của Lu Xiangyang và Wang Chuanfu và sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc, nhưng cũng giống như nhiều hãng xe điện khác BYD đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Trong quý I/2024, BYD đã bắt đầu ngấm đòn cuộc chiến giá xe điện. Ngay từ đầu năm 2024, hãng xe điện Trung Quốc đã liên tục giảm sâu giá các sản phẩm từ 5-20% nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh, vừa để hiện thực hóa khẩu hiệu "điện rẻ hơn dầu" vừa để cạnh tranh với các đối thủ trong ngoài nước. Lợi nhuận quý I giảm mạnh, lượng giao hàng giảm 30%.
Cuộc chiến giá cả khiến các hãng xe điện bao gồm cả Tesla và BYD lao đao.
BYD gần đây chứng kiến sự cạnh tranh rất mạnh ngay thị trường Trung Quốc. Trong năm 2023, BYD bán được gần 3 triệu xe, trong đó có tới hơn 2,6 triệu xe tại Trung Quốc. Thị trường xe điện lớn nhất thế giới này, theo Fitch Ratings, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, chỉ còn khoảng 20% trong năm nay, thay vì mức 37% trong năm ngoái. BYD nắm giữ khoảng 33% thị phần tại Trung Quốc.
Mặc dù được xem là đánh bại Tesla về số lượng xe bán trong quý IV/2023 nhưng lợi nhuận của BYD còn khá khiêm tốn. Vốn hóa của BYD cũng thua xa mức 574 tỷ USD của Tesla (tính tới 3/5).
BYD có kế hoạch vào thị trường Việt Nam từ tháng 6 sau khi thành công ở một số nước Đông Nam Á. Tại Thái Lan, BYD đưa những chiếc xe điện đầu tiên vào nước này cuối năm 2022, thì tới năm 2023 đã bán được hơn 30.000 xe, chiếm 40% thị phần xe điện nước này. Mẫu xe điện bán chạy nhất thị trường Thái Lan là BYD Atto 3, cũng là chiếc sẽ bán tại Việt Nam.
Cái đích của BYD theo tuyên bố là cạnh tranh với các mẫu xe xăng. Tuy nhiên, việc dịch chuyển từ xe xăng sang xe điện tại Việt Nam chưa mạnh mẽ. Bên cạnh đó, BYD chưa có hạ tầng sạc ở Việt Nam. Hiện chỉ có hệ thống sạc xe điện của VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Theo kế hoạch, khách hàng mua xe BYD giai đoạn đầu có thể sạc tại nhà, trạm sạc nhanh ở đại lý và của bên thứ ba. BYD đặt niềm tin vào việc hạ tầng sẽ tự phát triển theo nhu cầu của thị trường, như từng thấy ở Trung Quốc và một số nước.
Tại Việt Nam, chính sách hỗ trợ dành cho xe điện chưa mạnh. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại xe thương hiệu Trung Quốc nói chung, nên xe điện Trung Quốc vẫn là một loại sản phẩm chưa thể khiến khách hàng nhanh chóng quyết định xuống tiền.
BYD cũng có có kế hoạch xây nhà máy tại Việt Nam, nhưng chưa có lộ trình cụ thể.