Tháng 12/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050. Ngay sau COP26, các tổ chức, cơ quan ban ngành của Việt Nam đã bắt tay thực hiện ngay cam kết bằng những việc làm thiết thực.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0” vì mục tiêu phát triển bền vững” do Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, PGS. TS Bùi Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương khẳng định: Với chiến lược thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, trường Đại học Ngoại Thương đã tập trung xây dựng các chương trình nghiên cứu, đào tạo, tư vấn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. TS Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng mong muốn Hội thảo sẽ góp phần huy động được nhiều ý tưởng từ các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo cùng bàn thảo, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Quốc gia về giảm phát thải khí CO2, thích ứng với biến đổi khí hậu.
3 tham luận tại Hội thảo với chủ đề chính: Kinh tế tuần hoàn và các quy định thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn trong luật bảo vệ môi trường; Nghiên cứu tác động của du lịch đến mức phát thải CO2 tại ASEAN; Huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, các diễn giả đã đem đến góc nhìn đa chiều về những vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Tại phiên tham luận, một số giải pháp được các diễn giả gợi ý để Việt Nam xây dựng và phát triển để hướng tới mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” như giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch, chuyển đổi sang nhiên liệu bền vững và đẩy mạnh du lịch xanh; hoàn thiện các quy định hỗ trợ kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất hướng tới trung hòa các-bon; xây dựng chính sách về huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh, tín dụng xanh, ngân hàng xanh và bảo hiểm xanh… Đặc biệt là các biện pháp để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và hộ gia đình trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng kinh tế tuần hoàn và giảm lượng phát thải khí CO2. Các diễn giả cũng đã làm rõ vai trò của các quy định pháp luật và việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân là vô cùng cần thiết.
Sau phiên tham luận, phiên đối thoại chính sách được điều phối bởi PGS, TS Hoàng Xuân Bình, Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế và sự tham gia của các diễn giả: PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; TS Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Tại đây, các diễn giả nhận được nhiều câu hỏi tập trung vào các vấn đề chính sách, luật môi trường, mô hình Việt Nam hướng tới cũng như việc nâng cao nhận thức, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và đào tạo, thiết kế các môn học kinh tế xanh, kinh tế toàn cầu, kinh tế biến đổi khí hậu vào các chương trình đào tạo của nhà trường.
Tại Hội thảo, đại diện doanh nghiệp như FPT đặt vấn đề các doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện chiến lược phát thải ròng bằng “0”. Các diễn giả chỉ ra tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của toàn thể cán bộ nhân viên đến việc thay đổi công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Các diễn giả tham gia phần đối thoại chính sách cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp; thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ về năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời… Đặc biệt, TS Tạ Đình Thi và PGS, TS Bùi Quang Tuấn đánh giá cao vai trò của các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Ngoại thương trong việc xây dựng các chương trình nghiên cứu, đào tạo, tư vấn gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, của người dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.