Vợ mất, nhà văn Kim Lân ngày nào cũng cắm hoa cúc vàng, loài hoa cả hai người đều thích. Đêm đến, lúc các con ngủ, cụ lại nhìn ảnh vợ, kể cho cụ bà nghe những chuyện trong ngày, những chuyện đã thuộc về ký ức...
Trong số những bài báo viết về nhà văn Kim Lân, thỉnh thoảng người ta thấy Kim Lân nhắc về vợ - bà Nguyễn Thị Tám (SN 1926 - 2001).
Trong đó, có 2 lần nhà văn Kim Lân nhắc đến vợ khiến người ta thấy ấn tượng. Đó là việc cụ bà cầm càng xe cám, cụ ông đẩy đằng sau (từ đó sinh “tứ” để viết nên tác phẩm "Vợ nhặt"), và “Các con đa số giống mẹ, đẹp là nhờ mẹ”.
Ít ai biết rằng, trong cuộc sống hôn nhân, nhà văn Kim Lân và bạn đời là những người vô cùng tình cảm.
Nhà văn Kim Lân và vợ. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (SN 1946, con gái cả của nhà văn Kim Lân) cho biết, mẹ của bà vốn là em gái của nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy.
Trong cuộc hôn nhân với nhà văn Kim Lân, bà Tám chính là người lo đời sống, quản lý kinh tế để nuôi cả gia đình.
“Khi cuộc sống khó khăn, mẹ tôi nhận làm quân nhu: vá, chữa quần áo chăn màn, rồi mua thóc xát gạo cho bộ đội, lấy cám dùng nuôi lợn. Sau này về Thủ đô, cụ nhận móc khăn, đan len, đan túi lưới rồi cùng các con làm”, bà Hiền nói.
Vất vả lo toan là vậy tuy nhiên cụ Tám là người rất chiều chồng và hiếu khách.
“Từ bé, tôi đã được chứng kiến cảnh các bác Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… thường xuyên đến nhà chơi với thầy Kim Lân. Lúc các bác đến, mẹ bắt đầu nấu ăn để thầy tôi và các bác có thể vừa nhâm nhi vừa nói chuyện văn thơ đọc cho nhau nghe những tác phẩm mới viết…
Những cuộc trò chuyện ấy có thể kéo dài từ 9 giờ sáng hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Tiếng cười giòn tan vẫn cứ vang khắp xóm và mẹ tôi không bao giờ phàn nàn”, nữ họa sĩ cho biết.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và nhà văn Kim Lân bên bức ảnh bà vẽ về cha. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Cũng từ những người bạn này mà họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nói bà được biết thêm về cuộc đời, tình yêu của đấng sinh thành. Đó là chuyện nhà văn Kim Lân đưa vợ đi đẻ.
“Mỗi lần nhà văn Nguyên Hồng đến nhà, nhìn thấy tôi, bác Nguyên Hồng lại phá lên cười và kể lại câu chuyện bác và bố đưa mẹ tôi đi đẻ tôi.
Lần đó đến gần ngày mẹ sinh tôi, bố tôi và bác Nguyên Hồng chở bà đi qua chợ Dầu, Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) để đến nhà hộ sinh. Nhưng cả 3 người đi đi lại lại mấy lần, tôi vẫn chưa chịu ra đời.
Những bà, những chị bán hàng ở chợ nhìn thấy cảnh đó cứ bụm miệng cười khiến thầy tôi đỏ mặt tía tai. Sau đó, người dân chợ Dầu bảo: "Đứa trẻ trong bụng này bướng lắm. Chồng phải trèo qua nóc nhà 3 lần và lội qua ao thì vợ mới đẻ được".
Về nhà, bác Nguyên Hồng cứ lén nhìn để xem thầy tôi có làm theo lời người làng hay không. Một hôm bác phát hiện, thầy tôi nhân lúc vắng người đã leo tót lên nóc nhà, chạy lên rồi lại chạy xuống đúng 3 lần. Sau đó, thầy vén quần rồi lội qua ao. Vừa làm những việc trên thầy vừa ngó nghiêng để tránh có người nhìn thấy.
Hôm sau, mẹ tôi sinh ra tôi thật…”.
Câu chuyện này đã lùi xa trong quá khứ. Tuy nhiên vì được nghe nhà văn Nguyên Hồng kể lại nhiều lần nên nội dung của nó đã in đậm trong ký ức và trở thành kỷ niệm đáng nhớ của bà, mỗi khi nhớ về người cha của mình.
Bức ảnh nhà văn Nguyên Hồng (ngoài cùng bên phải) kể lại chuyện Kim Lân đưa vợ đi đẻ. |
Nhớ về thói quen của cha, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền còn kể: “Thầy tôi đi làm, được bao nhiêu tiền đều đưa hết cho mẹ. Tôi nhớ có lần nhà tôi đi sơ tán, thầy tôi đạp xe từ Hà Nội lên Yên Thế, Bắc Giang để đưa tiền lương cho mẹ. Lúc phải qua đò để trở lại Hà Nội thầy tôi mới phát hiện trong túi không có tiền để trả tiền đò. Thế là thầy lại phải quay về gặp mẹ…”.
Kể tiếp về cuộc hôn nhân của bố mẹ, nữ họa sĩ cho biết: “Thầy tôi và mẹ thỉnh thoảng cũng cãi nhau nhưng họ rất tình cảm. Đi đâu nhà văn Kim Lân cũng nắm tay vợ. Ngay cả khi ngồi cạnh nhau, thầy tôi cũng phải nắm tay mẹ tôi hoặc ngược lại”.
Nữ họa sĩ còn kể rằng, trong gia đình của bà, tất cả các thành viên đều thích đọc sách. Mỗi khi có cuốn sách mới, họ đều mê mải đọc, không ai để ý đến chuyện cơm nước. Bố mẹ của bà thì càng đặc biệt hơn.
“Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, trước khi đi ngủ, thầy tôi luôn có thói quen đọc sách cho vợ. Thầy đọc đủ các thể loại sách. Tôi nằm bên cạnh, giả vờ ngủ để được nghe cùng. Tuy nhiên khi thầy đọc truyện liêu trai thì tôi lại sợ, phải lăn vào giữa bố và mẹ để nằm”, bà Hiền nhớ lại.
Nhà văn Kim Lân thường nắm tay vợ mỗi khi họ đi cạnh nhau. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Sau này, khi mẹ bà đã mất đi, sự thương nhớ của nhà văn Kim Lân đối với vợ càng khiến bà nhận ra, tình cảm mà bố mẹ bà đã dành cho nhau là nhiều vô kể.
“Thầy tôi nói với các con rằng, khi mẹ tôi còn sống thầy cũng thương mẹ tôi nhưng khi bà mất thầy còn thấy thương hơn.
Sau ngày mẹ tôi mất, thầy tôi ngày nào cũng cắm hoa cúc vàng, loài hoa cả hai người đều thích. Đêm đến, lúc các con ngủ, cụ lại thắp đèn dầu rồi nhìn ảnh vợ, kể cho mẹ tôi nghe những chuyện trong ngày, những chuyện của ký ức.
Chúng tôi biết nhưng cứ để yên để thầy được sống trong cảm giác người bạn đời vẫn còn bên cạnh”, bà Hiền xúc động khi nhớ về chuyện cũ.
Món quà cuối cùng của Kim Lân khiến nhà văn Nguyễn Tuân sửng sốt
Những ngày cuối đời của Nguyễn Tuân, nhà văn Kim Lân đạp xe khắp Hà Nội để tìm một nhành phong lan giữa mùa hè năm 1987. Vào viện thấy Nguyễn Tuân đang ngủ, Kim Lân không dám gọi, chỉ nhẹ nhàng đặt hoa phía đầu giường.
Vũ Lụa - Ngọc Trang