Với mục tiêu đến năm 2025 cả nước phấn đấu đạt trên 3.000km đường cao tốc, bài học kinh nghiệm cần phát huy là phải có cách làm, tư duy, cách tiếp cận mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt.
Trong 3 năm tới phải hoàn thành thêm khoảng 1.270km cao tốc
Tháng 12/2004, tại Bến Lức (Long An), tuyến cao tốc đầu tiên TP.HCM - Trung Lương được khởi công. 6 năm sau, đến năm 2010, cả nước mới chỉ đưa vào khai thác được 89km đường cao tốc. Đến năm 2020, cả nước đã đưa vào khai thác thêm 1.074km, nâng tổng số chiều dài đường bộ đến hết năm 2020 lên 1.163km.
Theo Bộ GTVT, từ năm 2020 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566km, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước đến nay lên 1.729km.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước phấn đấu đạt trên 3.000km đường cao tốc. Như vậy, trong 3 năm tới phải tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.270km.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau có chiều dài 2.063km. Việc triển khai thi công tuyến cao tốc này được chia thành nhiều dự án tương ứng với các giai đoạn khác nhau.
Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) dài hơn 650km gồm 11 dự án thành phần đã thông xe 7 đoạn tuyến gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm.
Dự kiến ngày 2/9 sẽ thông xe đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km. Ngày 31/12, hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2. Trong năm 2024, 2 dự án thành phần còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ được đưa vào vận hành.
Khi giai đoạn 1 của dự án đang chạy nước rút thì đầu năm 2023, đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) được khởi công.
Có tư duy, cách tiếp cận mới và hành động quyết liệt
Chiều 18/6, phát biểu tại lễ khánh thành 2 dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm và Vĩnh Hảo- Phan Thiết, chiều dài hơn 150km, nâng tổng chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam lên gần 1.000km, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quyết tâm hoàn thành bằng được tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vào năm 2025.
Theo Thủ tướng, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước.
Chính vì vậy, để tạo động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố.
Tính cả các tuyến cao tốc khác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác gần 600km, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729km.
Tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123km vào cuối năm 2023 và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam vào năm 2025 là mục tiêu khả thi.
Thủ tướng nêu rõ, đạt được kết quả ngày hôm nay, rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng.
Một là, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Hai là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần phải bám sát thực tiễn, chủ động nắm bắt tình hình và nâng cao tính dự báo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch.
Ba là, phải chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền; phải xác định đường cao tốc là tài sản chung của quốc gia mà địa phương trực tiếp được hưởng lợi để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách trách nhiệm, hiệu quả.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ.
Năm là, không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý...
Sáu là, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng…
Khởi công nhiều dự án giao thông quan trọng
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 723,7km tuyến chính, gồm các đoạn: Hà Tĩnh-Quảng Trị (260,9km), Quảng Ngãi-Nha Trang (352,06km) và Cần Thơ-Cà Mau (110,9km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.
Trong tháng 6, một loạt dự án phân cấp cho địa phương đã và sẽ được khởi công, xây dựng như: Châu Đốc - Cần Thơ - Cần Đề, Đồng Nai – Vũng Tàu, Nha Trang – Buôn Ma Thuột, vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội …
Ngày 18/6, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch, trong tháng 6, TP Hà Nội cũng sẽ khởi công tuyến đường Vành đai 4.