Thiền sư Thích Nhất Hạnh được đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 120 cuốn sách và luôn nhận được sự ủng hộ, đón nhận của nhiều độc giả bởi những giá trị sống, nhân văn mà sách của ông đem đến. Đọc sách của Ngài, chúng ta nhận ra cuộc đời thật tươi đẹp và đáng quý trọng biết bao. Dưới đây là 5 tựa sách được xem là hay nhất của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Đường xưa mây trắng
Tác phẩm là một câu chuyện chân thực, sinh động, kể về cuộc đời rất thú vị của nhân vật Bụt. Với lối viết vừa hùng hồn vừa lãng mạn, Đường xưa mây trắng dễ dàng chinh phục thiện cảm của độc giả ngay từ những dòng đầu tiên. Với văn phong tinh tế, nhẹ nhàng, lối kể chuyện gần gũi, cuốn hút, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa độc giả lùi về quá khứ cách đây 2.600 năm và đắm mình vào dòng sông Nguyên. Ở nơi đó, người đọc như được tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe thấy về một bậc giác ngộ mà cuộc đời và hành động của ngài ngời sáng nét đẹp của trí tuệ và sự từ, bi, hỉ, xả.
Đọc Đường xưa mây trắng cho chúng ta cảm tưởng như đang đọc một thiên tình sử, nhẹ nhàng, gần gũi mà sâu lắng. Sách Đường xưa mây trắng đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được tái bản nhiều lần ở các nước và xếp vào hàng những quyển sách hay nhất của thế kỷ 20.
"Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường xưa mây trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá", Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong lời tựa của cuốn sách.
Giận
Giận là một cuốn sách hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Qua góc nhìn của một người con của Phật, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã mở ra một thế giới quan mới cho người đọc. Qua đó giúp mỗi người tự nhìn nhận cơn giận của mình, hóa giải cơn giận của mình từ những điều đơn giản nhất. Bằng ngôn ngữ giản dị nhưng đầy thâm thúy, Giận sẽ là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta mỗi khi đi “trật đường ray cảm xúc” trong quãng đời này. Chắc chắn Giận sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời trên con đường nuôi dưỡng tâm hồn và rèn luyện bản thân của mỗi người.
“Nếu một căn nhà đang cháy, thì trước nhất bạn phải làm gì? Việc trước nhất chính là phải chữa cháy căn nhà, chứ không phải chạy theo đuổi bắt người đốt nhà. Tương tự như vậy, khi giận, nếu tiếp tục đối đầu, tranh cãi với người làm cho ta giận, thì chẳng khác gì ta đuổi theo kẻ đốt nhà trong khi căn nhà đang bốc lửa…”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Giận được xuất bản tại Mỹ năm 2001, trước biến cố 11/9/2001 có một ngày. Vì thế Giận đã trở thành quyển sách bán chạy nhất tại Mỹ – 50.000 bản mỗi tuần – trong vòng 9 tháng. Tại Hàn Quốc, quyển sách này đã bán được 1 triệu bản trong vòng 11 tháng. Rất nhiều độc giả nhờ đọc sách này mà đã điều phục được tâm mình, sử dụng ái ngữ lắng nghe để hoà giải với người thân, đem lại hạnh phúc trong gia đình và trong cộng đồng của họ.
Tĩnh lặng
"Hạnh phúc luôn ở quanh ta. Nhưng chúng ta thường mải miết tìm kiếm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó. Giữ tâm tĩnh lặng để lắng nghe từng nhịp thở của đất trời cũng là một cách để ta tận hưởng hạnh phúc. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Nếu tự thân chúng ta không thể tĩnh lặng, thân tâm đầy sự náo loạn thì ta chẳng thể nào cảm nhận thứ hạnh phúc giản đơn ấy. Chính trái tim ta đang gọi ta, nhưng thân tâm ta quá ồn ào nên không thể lắng nghe được âm thanh của chính trái tim mình.
Tu tập chánh niệm sẽ giúp sự náo loạn trong tâm dần trở nên lắng lại. Chánh niệm giúp ta không bị lôi kéo bởi các thứ cảm xúc tiêu cực như tiếc nuối, buồn phiền, lo lắng. Tiếc nuối cho quá khứ. Buồn phiền, lo lắng cho tương lai. Những thứ này ngăn cản không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc", Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết trong cuốn sách.
Với Tĩnh lặng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp tâm hồn chúng ta trở nên bình an, yên lặng. Và chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.
Đọc sách cuốn sách chúng ta trở nên thoải mái hơn, hạnh phúc hơn, an lạc hơn. Với sự tu tập mỗi ngày, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cuộc sống này không hề tiêu cực và tuyệt vọng như chúng ta từng nghĩ. Chỉ cần sống trọn vẹn từng phút giây; thanh thản, nhẹ nhàng trong từng hành động, chúng ta sẽ thấy rằng, mỗi bước đi của chúng ta đều chứa đựng vô vàn sự nhiệm màu, và chỉ cần cảm nhận được sự nhiệm màu đó, tâm ta sẽ an, đời ta sẽ hạnh phúc.
Để có một tương lai
2.500 năm trước, Bụt đã đưa ra các nguyên tắc cho những người đệ tử tại gia của Ngài để giúp họ sống một đời sống bình an, lành mạnh và hạnh phúc. Đó là Năm Giới và nền tảng của mỗi Giới này là chánh niệm. Với chánh niệm, chúng ta ý thức được những gì đang xảy ra nơi thân thể, cảm thọ, tâm hồn và thế giới quanh ta, cũng như ta tránh không gây tổn hại cho mình và cho người.
Năm Giới chính là tình thương. Thương có nghĩa là hiểu, bảo vệ và mang lại an vui cho đối tượng thương yêu của chúng ta. Hành trì Giới là thực hiện điều này. Chúng ta bảo vệ cho mình và bảo vệ cho nhau.
Năm Giới trong cuốn sách Để có một tương lai được diễn bày theo hình thức mới. Đây là kết quả của những Tuệ giác gặt hái được từ việc thực tập chung như một Tăng thân. Một truyền thống tâm linh cũng giống như một cái cây, cần được chăm tưới để cho ra những cành, lá mới có thể tiếp tục là một thực thể sinh động. Chúng ta giúp cái cây Phật giáo phát triển bằng cách sống sâu sắc trong tinh thần và sự hành trì Giới, Định, Tuệ.
Nếu chúng ta tiếp tục thực tập Giới một cách sâu sắc, trong tương quan với xã hội và văn hóa, tôi tin rằng con cháu chúng ta sẽ có một sự hiểu biết về Năm Giới còn sâu hơn chúng ta bây giờ và sẽ có nhiều an lạc hơn.
Con đã có đường đi
Mọi sinh hoạt của xã hội con người đang đi về hướng toàn cầu hóa. Những giá trị tâm linh và đạo đức nào trong gia sản văn hóa của nhân loại cần được xét nghiệm và nhận diện để chúng ta có thể sử dụng mà hình thành nên một nền đạo đức và tâm linh chung cho cả hành tinh chúng ta? Mỗi truyền thống đạo đức tâm linh đều có những viên ngọc quý có thể đem ra để đóng góp cho một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu. Đạo Bụt là một nguồn tuệ giác đã có mặt trên 2500 năm có thể đóng góp được gì? Đó là chủ đề của cuốn sách này.
Bất cứ một nền đạo đức luân lý nào cũng luôn dựa trên nền tảng của một cái thấy sâu sắc về thực tại, thực tại nội tâm cũng như thực tại thế giới. Siêu hình học là nền tảng của đạo đức học. Đạo đức học của đạo Bụt phát sinh từ một suối nguồn tuệ giác mà Bụt Thích Ca và các hành giả kế tiếp đã đạt tới được nhờ kinh nghiệm thiền quán sâu sắc. Nguồn suối tuệ giác ấy được gọi là Chánh kiến (Right View), là sự chứng ngộ. Tuệ giác ấy có khi được gọi là Duyên Sinh, là Tương Tức, là Không, là Vô Tướng, là Bát Nhã, là Bất Nhị, là Trung Đạo, là Vô Ngã… Tuệ giác ấy không phải là những ý niệm, những lý thuyết hình thành bởi tư duy, bởi lý luận mà là những kinh nghiệm trực tiếp về thực tại mà hành giả đạt tới.
Tình Lê
3 cuốn sách giúp độc giả có cuộc 'cách mạng' về lối sống
Bộ sách 'Cách mạng lối sống' gồm 3 cuốn: 'Những vùng đất trường thọ', 'Chế độ ăn trường thọ' và 'Ngủ ngon theo phương pháp Stanford'.