Chị Bùi Thị Hằng - cô giáo dạy nghề điện sáng tạo. Ảnh: NVCC |
Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình, chị Hằng luôn ao ước được học sư phạm để trở thành giáo viên. Tốt nghiệp lớp 12, chị theo học ngành Sư phạm kỹ thuật chuyên về điện - điện tử ở Nam Định. Sau khi tốt nghiệp, chị tiếp tục học liên thông lên đại học và tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Năm 2004, chị Hằng nộp hồ sơ và có cơ duyên trở thành giáo viên dạy nghề điện tại Trường Cao đẳng công nghiệp cao su (Bình Phước). Nhờ nền tảng chuyên môn về ngành điện tốt, cùng đam mê và tâm huyết với giáo dục nghề nghiệp, chị Hằng đã không ngừng tìm tòi, đổi mới bài giảng và phương pháp giảng dạy.
“Để tiết học không còn nhàm chán, khô khan mình tạo những mô hình, hoạ cụ sinh động miêu tả cho học sinh dễ hình dung. Đồng thời, lồng ghép dạy bằng slide hình ảnh, video về các mạch điện và cơ chế hoạt động” - chị Hằng nói.
Đối với phần thực hành chiếm 70%, chị Hằng trực tiếp hướng dẫn học sinh thực hiện từng bước một. Bên cạnh đó, chị còn chia sẻ những tình huống, cách xử lý như thế nào cho an toàn khi lắp ráp thiết bị điện và điều hành đồ điện tử.
Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay chị là cầu nối giữa học viên với các nhà máy, cơ sở. Qua đó, tạo cơ hội cho học viên được tham quan, thực tập ngay từ sớm.
Chị Hằng cùng đồng nghiệp tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su Bình Phước. Ảnh: NVCC |
Theo chị Hằng, muốn truyền lửa nghề cho học viên thành công thì bản thân phải có kỹ năng thuần thục, nhuần nhuyễn, luôn học hỏi và cập nhật những kiến thức và kĩ năng mới. Chính vì vậy, ngoài giờ làm việc, chị Hằng cũng dành nhiều thời gian đến các doanh nghiệp để học hỏi, cũng như tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, trang bị cho học sinh kỹ năng phù hợp.
Chị Hằng chia sẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, hoạt động tuyển sinh và đào tạo của trường nghề năm qua gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của chị là nên tăng cường áp dụng công nghệ thông tin kết hợp các phương pháp khác để tăng hiệu quả dạy học trực tuyến.
Các bài học online của chị Hằng được học viên đánh giá là sinh động nhờ áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Ảnh: NVCC |
Giảng dạy trong môi trường mà đa số học viên là nam, chị Hằng nói tính cách của mình khá mạnh mẽ và nghiêm nghị. Dù vậy, để hỗ trợ, uốn nắn các em một cách hiệu quả, chị cũng phải thường xuyên mềm mỏng trong giao tiếp, giảng dạy.
Chị Hằng cũng cho rằng giáo viên nữ giảng dạy về kỹ thuật cũng có nhiều thuận lợi hơn như dễ gần gũi, chia sẻ cùng các em. Chị tâm niệm không chỉ dạy học sinh cái nghề mà còn phải giúp các em nên người, biết suy nghĩ và phấn đấu trong tương lai.
“Chứng kiến nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, tốt nghiệp rồi đi làm nhưng điều khiến mình xúc động nhất là được các em nhớ tới nhân ngày 20/11 hay các dịp lễ. Chỉ là những lời chúc hay tin nhắn nhưng chứa đầy tình yêu mến của các em gửi đến mình” - chị Hằng xúc động nói.
Trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 mới đây, vượt qua nhiều đồng nghiệp nam vốn có thế mạnh trong lĩnh vực này, chị Hằng đã giành được giải Ba với bài giảng: “Điều khiển ngoại vi mạch sao tam giác”. Bài giảng của chị được ban giám khảo đánh giá có tính ứng dụng cao và phương pháp giảng dạy truyền cảm hứng cho người học.
Chị Hằng nhận giải tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp toàn quốc năm 2021. Ảnh: NVCC |
Trước đó chị Hằng cũng từng đạt giải Nhì tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục Nghề nghiệp năm 2021 cấp trường. Chia sẻ cảm xúc khi nhận được giải, chị cho biết: “Đây là phần thưởng quý giá trong suốt nhiều năm theo nghề giáo của mình. Giải thưởng cũng chính là động lực để mình cố gắng, quyết tâm hơn nữa thắp sáng lửa nghề cho học sinh”.
Ngoài ra, chị Hằng cũng hy vọng khối ngành kỹ thuật sẽ có thêm nhiều bạn nữ quan tâm lựa chọn trong thời gian tới. Theo chị Hằng bây giờ học về điện – điện tử liên quan nhiều đến vận hành máy móc, không còn quá vất vả như suy nghĩ của nhiều người lâu nay.
Ngọc Linh
Thạc sĩ bỏ việc lương cao về quê dạy học
Đang có công việc ổn định với mức lương cao nhưng thạc sĩ trẻ Nguyễn Lâm Thiên Thanh quyết định trở về nơi mình lớn lên làm giáo viên dạy nghề, áp dụng vào thực tế với mong muốn phát triển nghề nông theo hướng công nghệ cao.