Hôn nhân không đám cưới
29 năm trước, khi mới hơn 20 tuổi, anh Trần Bá Chức (nghệ danh Vương Hiền, hiện 54 tuổi, TP.HCM) vô tình gặp chị Nguyễn Thị Hiếu (nghệ danh Phượng Hiếu, hiện 53 tuổi) trong lớp học cải lương. Mái tóc đen tuyền của người con gái có nụ cười tỏa nắng thôi thúc anh đến làm quen, tìm hiểu.
Những ngày sau đó, mỗi khi tan học, anh đều cố gắng đưa người con gái mình thích về để có thêm thời gian trò chuyện. Ngoài việc học, những năm ấy, anh Chức làm việc trong một xưởng sản xuất diêm.
Biết chị Hiếu cần việc làm, anh dẫn chị vào làm việc cùng với mình. Tại đây, cả hai có nhiều thời gian gặp gỡ, trò chuyện. Tình cảm của họ lớn dần theo những bữa trưa chỉ dám ăn đĩa cơm tép rang mấy nghìn đồng.
Khi thân thiết hơn, chị Hiếu biết hoàn cảnh anh Chức khó khăn. Chị tình nguyện nấu cơm, đem thức ăn đến nơi làm việc cùng ăn với anh.
Trong chương trình Tình trăm năm tập 151, anh Chức kể: “Mưu sinh xa xứ nhưng lại được cô gái mình thầm yêu quan tâm, chăm sóc tôi hạnh phúc lắm. Chính những bữa cơm ấy khiến tôi yêu cô ấy như yêu chính cuộc sống của mình”.
Học cải lương được một năm, anh Chức, chị Hiếu ra nghề, bắt đầu đi hát. Đúng lúc này, anh ngỏ lời cầu hôn người con gái mình thương. Chị Hiếu đồng ý. Cả hai bắt đầu tính chuyện kết hôn, về chung một nhà.
Dù gia cảnh khó khăn nhưng anh Chức rất được lòng mẹ vợ tương lai. Bà liên tục động viên, khuyên anh đừng tự ti, về nhà mời bố mẹ đến gặp mình bàn chuyện làm đám cưới.
Dẫu vậy, cuộc hôn nhân của đôi nghệ sĩ cải lương không hề dễ dàng. Sau khi xem tuổi chị Hiếu, bố anh Chức phản đối, không đồng ý cho hai người cưới nhau.
Cuối cùng, trước sự vận động của gia đình hai bên, ông đồng ý để anh Chức, chị Hiếu thành vợ chồng với điều kiện không được tổ chức đám cưới.
Chị Hiếu kể: “Nghe tin bố anh ấy không đồng ý cho cưới, tôi và mẹ khóc suốt đêm. Cuối cùng, bố anh ấy nói với mẹ tôi rằng: “Nếu chị thương con thì không tổ chức đám cưới”.
Mẹ tôi nói, nhà chỉ còn đứa con gái út là tôi thôi. Nhưng mẹ thương anh Chức quá nên đồng ý không tổ chức đám cưới. Thế là nhân ngày gia đình tôi làm đám giỗ, mẹ mời nhà anh Chức đến dự rồi đưa tôi về làm dâu.
Chúng tôi không được tổ chức đám cưới. Tôi không được mặc áo cô dâu. Thậm chí việc trao nhẫn cưới, đeo bông tai cũng phải giấu, không để cho người ngoài nhìn thấy, chỉ có hai vợ chồng tự biết với nhau thôi".
Sau khi cưới, hai người về Tây Ninh để theo đuổi nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên sau đó, cả hai nhận thấy loại hình nghệ thuật này đang thoái trào. Đôi vợ chồng trẻ quyết định trở lại TP.HCM lập nghiệp, bắt đầu cuộc sống nhiều thăng trầm.
Vượt sóng gió
Trở lại TP.HCM, anh Chức và vợ vào làm thuê trong một cơ sở sản xuất giá đỗ với tiền công ít ỏi. Công việc nặng nhọc, phải bắt đầu từ nửa đêm đến 4-5 giờ sáng nhưng chỉ được nhận 1 gói mì gói để ăn khiến vợ chồng trẻ không thể gắn bó.
Cuối cùng, hai người nghỉ việc. Anh Chức xin vào làm trong một xưởng sản xuất nhôm. Tuy nhiên, bà chủ xưởng chỉ đồng ý nhận anh với điều kiện chị Hiếu phải trở thành người giúp việc cho mình.
Không còn cách nào khác, chị Hiếu cắn răng nhận lời. Ngày đến nhận việc, chị choáng váng khi thấy bà chủ đã ngâm sẵn 2 thau quần áo lớn với thuốc tẩy. Hôm sau, chị phải còng lưng lau nhà bằng giẻ…
Chị kể: “Là con gái út nên từ nhỏ, tôi được mẹ cưng như công chúa, tiểu thư, không phải động tay chân. Nhưng vì thương anh, tôi chấp nhận làm công việc mình chưa từng làm bao giờ.
Tôi giặt từng cái áo, chà từng đôi giày, chiếc dép… cho bà chủ nhưng không than thở, nói với ai. Sợ mẹ buồn, dù chịu ấm ức, tôi cũng không dám nói. Đến khi mất, mẹ tôi cũng không biết con gái út của mình chịu nhiều cực khổ đến vậy”.
Dù cố gắng, siêng năng nhưng vợ chồng chị Hiếu vẫn không được lòng bà chủ. Bà đưa ra điều luật vô lý là 2 vợ chồng không được gặp nhau trong nhà của bà. Thế nên, dù vợ chịu nhiều thiệt thòi, anh Chức cũng không hay biết.
“Một lần, tôi vô tình thấy vợ làm việc trên tầng cao nên gọi với lên. Bà chủ biết chúng tôi gặp nhau nên mắng chửi. Đó cũng là lần đầu tôi thấy vợ mình làm những công việc cực nhọc. Xót xa quá, tôi khuyên cô ấy nghỉ việc”, anh Chức kể.
Thương hai vợ chồng khó khăn, người thân của chị Hiếu xin cho anh Chức đi bốc vác. Chị Hiếu ở nhà làm công tắc quạt trần với tiền công 10.000 đồng/ngày. Có lương, hai vợ chồng bắt đầu dành dụm, mơ về ngày xây dựng tổ ấm.
Ít lâu sau, chị Hiếu mang thai. Thấy cần phải có nơi ở để chuẩn bị cho việc sinh nở, chị vay mượn thêm, mua căn nhà nhỏ xíu. An cư, vợ chồng chị cật lực làm việc. Dù mang thai, chị Hiếu vẫn xách giỏ đi làm móng dạo và trở thành người làm móng đẹp có tiếng.
Có nhiều khách, vợ chồng anh Chức bán căn nhà cũ để mua nhà mới rộng rãi hơn. Kinh tế ổn định, chị vừa nuôi con vừa nuôi chồng học nghề tạo mẫu tóc.
Học nghề 3 tháng, anh Chức mở tiệm và may mắn thành công. Công việc ổn định, cuộc sống vợ chồng anh khấm khá. Tuy nhiên, niềm vui ấy không kéo dài được lâu.
Anh chị đứng ra vay tiền giúp người quen nhưng không thể thu hồi. Mang nợ, vợ chồng anh Chức buộc phải bán nhà để trả.
Chị Hiếu kể: “Lúc đó, tôi mới sinh đứa con thứ 2, bố lại vừa mất. Gặp nhiều nỗi buồn cùng một lúc, tôi buồn lòng nên phải trả mặt bằng, trở về căn phòng trọ chỉ rộng 16m2.
Sau khi khóc cạn nước mắt, chị Hiếu lại đi làm móng dạo. Anh Chức quay lại làm thợ tạo mẫu tóc. Trải qua nhiều thăng trầm, năm 2007, vợ chồng anh mở lại được tiệm làm tóc.
Năm 2008, khi cuộc sống ổn định trở lại, anh chị tiếp tục theo đuổi đam mê hát cải lương. Cả hai tham gia nhiều chương trình, vở diễn cải lương ở nhiều nơi, trở thành nghệ sĩ được nhiều người mến mộ.
Cuối chương trình, anh Chức gửi đến vợ lá thư tay đong đầy cảm xúc. Lời thư xúc động khiến chị Hiếu rưng rưng nước mắt. Hiện, cả hai có cuộc sống gia đình hạnh phúc bên 2 người con hiếu thảo.