Dù thành tích đạt được tại các kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2020 của Nguyễn Thị Thu Nga (học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) còn khiêm tốn (giải Khuyến khích), nhưng để đến kết quả này, Nga và cô giáo của mình đã trải qua một hành trình đặc biệt.
"Có cô rồi, em không phải lo gì nữa"
Nga từng đạt giải Nhất môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 9, do đó thuộc diện được tuyển thẳng vào trường chuyên. Tuy nhiên, trong những ngày nộp hồ sơ nhập học, nhà trường bất ngờ khi không thấy em đến.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hùng Vương khi đó đề nghị tổ chuyên môn tìm hiểu lý do, để nếu cần sẽ hỗ trợ em theo học.
Cô Vũ Thị Hạnh và học trò Nguyễn Thị Thu Nga. Ảnh: Thanh Hùng |
Theo yêu cầu của lãnh đạo trường, cô Vũ Thị Hạnh (Tổ trưởng Tổ Sinh học Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) đi về huyện Lâm Thao - quê của Nga để thuyết phục em.
“Nga có hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh em ăn học. Khi đó, Nga muốn chọn học trường gần nhà là THPT Long Châu Sa để phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Mẹ Nga thì hoàn toàn cho em quyền quyết định bởi cuộc sống quá nhiều lo toan”, cô Hạnh kể.
Nga cho hay, lúc đó em cũng rất phân vân bởi dù sao trường chuyên cũng là niềm mơ ước của nhiều học sinh.
"Em sợ rằng không thể trả được chi phí sinh hoạt xa nhà và mức học phí cao. Lúc chưa gặp cô Hạnh, gần như em không có người thân ở TP Việt Trì”, Nga nhớ lại.
Cô Hạnh kể, lúc đó đã phải tìm đủ cách thuyết phục, thậm chí phải dẫn chứng chính cuộc đời của mình và của nhiều bạn bè để thuyết phục Nga.
Sau 2 tiếng đồng hồ, cuối cùng Nga cũng đồng ý đi học với lá đơn nộp hồ sơ đầy nước mắt.
“Em quyết định theo cô bởi ấn tượng câu nói: Có cô rồi, em không phải lo gì nữa!”, Nga kể.
Hạnh phúc giản dị
Cô Hạnh chia sẻ, khi đón Nga về, cô không hề nghĩ để dạy cho em đạt được thành tích mà mục tiêu lớn nhất là Nga được phát triển khả năng của mình.
Cô Hạnh còn nhớ như in, lúc mới về, Nga xanh xao, gầy gò nên điều cô lo nhất là làm sao để cho em khỏe lên. Cô Hạnh lo cho Nga tất cả mọi sinh hoạt, gia đình không phải chu cấp gì thêm cho em.
Chồng cô Hạnh mất sớm, một mình cô nuôi hai con trai nên khi có thêm Nga, cô phải cố gắng để chu toàn được cả việc trường lớp lẫn vai trò người mẹ ở nhà.
“Tôi coi Nga như đứa con trong nhà. Nhiều người hỏi tôi lý do sao tôi lại làm được thế, tôi thấy mình chỉ đang làm đúng trách nhiệm của một giáo viên. Có người hỏi, mỗi tháng nuôi Nga tính ra hết bao nhiêu tiền, mình cũng nói vui lại rằng làm sao cha mẹ tính toán được với con”.
Còn với Nga, cô Hạnh như một người mẹ thứ hai. “Cô rất tâm lý và rất hiểu em. Cô quan tâm tới em như một người con trong gia đình, từ những việc nhỏ như nhắc em mặc đủ ấm, ăn thứ này, thứ kia cho đủ chất…”, Nga chia sẻ.
Cô cũng dạy cho Nga cả những kỹ năng sống, cách ứng xử, phép tắc như với một cô con gái tuổi mới lớn.
Ngoài thời gian học trên lớp, Nga giúp cô Hạnh việc nhà và quan tâm, hướng dẫn học cho 2 em trai. Chị em vui vẻ, yêu thương nhau và không có cảm giác xa cách là điều khiến cô Hạnh cảm thấy hạnh phúc nhất.
Hiện thực hóa ước mơ làm bác sĩ
Là người có kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, từng có học sinh dự thi quốc tế, cô Hạnh nhận ra ngay tố chất đặc biệt của Nga.
Cô Hạnh quyết định áp dụng cách dạy đặc biệt “đi tắt đón đầu” khi cho Nga tiếp cận luôn với đề thi quốc tế và bắt đầu làm kiến thức từ cao xuống thấp, vướng mắc ở đâu, cô cùng giải quyết ở đó.
“Tôi đã khoán thời gian cho Nga, lượng kiến thức nào phải đọc trong bao nhiêu ngày. Thời gian đầu, có những lúc sau khi cô chữa bài, thấy bị sai nhiều nên Nga đã bật khóc. Thế nhưng tôi dạy em cách rắn rỏi, không khóc mà học cách sửa sai”.
Trong kỳ thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn Sinh học năm học 2018 - 2019 của Phú Thọ, Nga đã đạt số điểm cao nhất, khi mới chỉ là học sinh lớp 10. Tiếp đó, Nga đã giành giải Nhì ở kì thi học sinh giỏi quốc gia và được chọn vòng 2 đội tuyển đi thi quốc tế.
Năm học 2019-2020, Nga tiếp tục giành giải Nhì thi học sinh giỏi quốc gia, đi thi Olympic quốc tế và giành được bằng khen (tương đương giải Khuyến khích).
Với kết quả này, Nga được nhận tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Hà Nội và được bảo lưu kết quả này cho đến khi tốt nghiệp THPT. Năm nay, Nga cũng được đặc cách vào vòng 2 chọn đội tuyển Olympic quốc tế.
Cô Hạnh và Nga bên mạnh thường quân (áo trắng) đã âm thầm hỗ trợ em vì hoàn cảnh khó khăn trong suốt thời gian qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nga rất muốn vào Trường ĐH Y Hà Nội, trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai để có thể chữa bệnh cứu người, giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, mục tiêu gần nhất của Nga là lọt được vào đội tuyển dự thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2021.
Tết này, Nga có kế hoạch cùng với cô Hạnh đi thăm, tri ân một mạnh thường quân đã âm thầm giúp đỡ, đồng hành cùng mình từ đầu năm lớp 11 cho đến tận bây giờ.
Nga cũng sẽ về nhà ở Lâm Thao để ăn Tết cùng các thành viên trong gia đình.
Thanh Hùng
Người thầy từng bỏ nghề đi buôn dẫn đường cho nhiều huy chương quốc tế
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng chàng trai Nguyễn Duy Liên quyết định bỏ nghề đi buôn. Sau 12 năm, “vì vẫn còn yêu tha thiết môn Toán”, anh chọn quay trở lại bục giảng, làm lại từ đầu với vai trò là một thầy giáo làng.
Hà Ánh Phượng: Tôi chỉ là giáo viên bình thường bước ra từ vườn chuối
Từng bị bạn bè can ngăn “Mày tụt hậu là cái chắc” khi muốn quay trở về quê làm một cô giáo trường làng, giờ đây, cô Phượng đang tích cực đi lan tỏa mô hình lớp học xuyên biên giới tới cộng đồng giáo viên trên khắp Việt Nam.
Cô giáo lớp 4 'trường làng' nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
Nhiều năm đi dạy xa nhà tại một điểm trường lẻ thuộc xã Châu Thành, tỉnh Long An, cô Thảo nói rằng: "Thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi".
Cô giáo nuôi học sinh đoạt giải Olympic quốc tế nhận bằng khen của Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định tặng bằng khen cho cô Vũ Thị Hạnh là giáo viên trực tiếp dạy dỗ em Nguyễn Thị Thu Nga, học sinh đoạt giải Olympic Sinh học quốc tế năm 2020.