Chiều nay (24/11), phát biểu kết luận hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, đây là hội nghị không chỉ những người làm công tác quản lý về văn hóa, văn nghệ sĩ mà đông đảo người dân đều trông đợi.

Hội nghị toàn quốc để nhìn nhận lại vai trò của văn hóa, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những gì đạt được cũng như bất cập, thiếu sót, để thống nhất nhận thức, quan điểm hành động, để chấn hưng văn hóa như Tổng Bí thư đã nói.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Minh Đạt

Phó Thủ tướng mong muốn tất cả mọi người không chỉ làm công tác văn hóa mà toàn xã hội, toàn dân, tất cả người dân Việt Nam, dù làm gì, ở đâu, tín ngưỡng tôn giáo nào truyền cảm hứng, trách nhiệm, niềm tin, để cho văn hóa nước nhà rực rỡ, đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Ông kỳ vọng việc phấn đấu mỗi nhiệm kỳ, hoặc 5 năm có một hội nghị như này.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta vẫn phải tiếp tục nhận thức về văn hóa. Suy cho cùng, văn hóa còn, dân tộc còn. Từ xưa, ông cha đã nói câu nói này, chúng ta nói với nhau nhưng ít khi nói đến cùng ý nghĩa của nó. 

Nêu việc thường hay nói đã quán triệt đầy đủ tinh thần nghị quyết, chủ trương, chỉ thị nhưng khâu thực hiện còn yếu kém hay do nguồn lực không đủ, Phó Thủ tướng cho rằng, nhận thức đó có một phần đúng, nhưng phần nhiều đó là tự bào chữa cho cái chưa nhận thức được triệt để. 

Bởi khi nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nào đó mang tính sống còn đối với đất nước, dân tộc, hay những vấn đề sống còn với bản thân và người thân thì chắc chắn ta sẽ tìm mọi cách, dồn mọi nguồn lực cả về thời gian, tiền bạc, công sức để làm cho bằng được.

Nhấn mạnh việc phải xem lại về nhận thức, Phó Thủ tướng chia sẻ câu chuyện, ông đi khắp trong Nam ngoài Bắc, hỏi những người làm văn hóa thì đều nói rằng rất khó. 

Những điểm khó được Phó Thủ tướng nêu ra. Thứ nhất, tất cả bị sức ép về tăng trưởng. Như nhiều đại biểu đã nói, văn hóa và xã hội trước mắt và ngắn hạn không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế. 

“Văn hóa và xã hội có nhiều vấn đề, không phải như làm cái cầu, xây tòa cao ốc, sau 5 năm, 1 nhiệm kỳ là thấy ngay thành quả, tập thể lãnh đạo hay cá nhân lãnh đạo. Có những việc dù rất nhỏ nhưng nhiều năm, nhiều chục năm mới có kết quả. 

Có những vấn đề kinh tế, kỹ thuật, một quyết định sai thì thấy ngay hậu quả của tập thể, cá nhân lãnh đạo đó, phải chịu ngay trách nhiệm.

Nhưng nhiều vấn đề về văn hóa xã hội dù không chú ý, chưa làm tròn trách nhiệm, dù không chuẩn cũng phải nhiều năm sau, nhiều nhiệm kỳ sau mới bộc lộ ra. Nên tâm lý là cứ từ từ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho hay, khi được trao một cương vị phụ trách dù to hay nhỏ, đều không ý thức được rằng, mỗi một chuyên ngành, nghề đều cần đội ngũ chuyên sâu, chuyên gia, người nghiên cứu, hoạt động thực tiễn, có kinh nghiệm. 

Vì vậy, rất nhiều khi ý kiến các chuyên gia, người hoạt động thực tiễn, lâu năm không được tôn trọng. Dần dần, một mặt, những người có trách nhiệm quyết định không đúng mà không biết. Nhưng tệ hơn, đội ngũ chuyên gia, những người có kinh nghiệm vì không được trọng dụng dần dần mai một và chúng ta bị hụt hẫng. 

Sự không chú ý đúng mực đến văn hóa thể hiện ở thời lượng, thời gian lãnh đạo dành cho văn hóa, nguồn lực bố trí cho văn hóa và sự phân bổ cán bộ, biên chế làm văn hóa. 

Chấn hưng văn hóa

Theo Phó Thủ tướng, khi đã thống nhất nhận thức thì cũng phải nhìn những năm vừa qua không phải không cố gắng, không làm được gì.

Dẫn ví dụ, năm ngoái, cả thế giới nhảy theo nhịp điệu "Ghen Covy" của Việt Nam, đó là văn hóa, Phó Thủ tướng nêu quan điểm, không vì những tồn tại rất gay gắt, bức xúc mà quên đi thành tựu. Điều quan trọng phải cầu thị, nhìn thẳng vào bất cập. 

Phó Thủ tướng thông tin, ông có làm cuộc khảo sát riêng các bạn sinh viên trẻ. 

“Có 2 điều, nói đến ai cũng cảm xúc. Thứ nhất là dường như xã hội trọng đồng tiền quá. Thứ 2, dường như nhiều người lo cho bản thân mình nhiều quá”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, nhất thiết đặt nhiệm vụ kiên trì, dài hơi nhưng cấp bách, làm sao có giải pháp thật thiết thực để chấn hưng văn hóa.

Phó Thủ tướng nêu, trong từng giai đoạn lịch sử, Bác Hồ và Đảng đã khơi dậy khát vọng dân tộc, “ngày xưa là kháng chiến kiến quốc để giành lại độc lập thống nhất đất nước, giờ khát vọng là gì?”

Theo Phó Thủ tướng, ngoài giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc Covid thì còn có giặc nghèo, giặc tụt hậu. Làm sao tất cả mọi người Việt Nam trước đây xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước, nay phải đánh giặc tụt hậu.

“Tổng Bí thư nói hạnh phúc không chỉ là nhiều tiền lắm của, nhưng chắc chắn nghèo thì không thể hạnh phúc được. Chống dịch Covid-19 nếu không có tiền mua vắc xin, thuốc cho dân thì làm sao hạnh phúc được. Chúng ta vẫn phải phát triển, phải chống tụt hậu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cho rằng, phải thôi thúc, tiếp tục tạo xung lực để phát huy toàn bộ sức mạnh toàn dân, phát triển nhanh, bền vững hơn. Đây là gợi mở, tìm ra mệnh đề dễ nhớ, để mọi người dân cảm thấy thôi thúc, cùng chấn hưng văn hóa.

Điều tiếp theo được Phó Thủ tướng đề cập là tạo môi trường không chỉ với văn nghệ sĩ mà với toàn dân, toàn xã hội, môi trường cổ vũ cho sáng tạo. Chúng ta phải tạo ra môi trường cổ vũ cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt, miễn là khác biệt đó không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước. 

Một khi tạo được môi trường cho tất cả mọi tài năng của con người dù là văn nghệ sĩ hay người nông dân được phát huy, bùng nổ, tôn vinh cái mới thì sẽ đi được nhanh hơn, làm được những điều trong điều kiện bình thường không làm được.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đã nói đến văn hóa là nói đến con người, nói đến con người phải nói đến giáo dục. Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới giáo dục, phải cùng với ngành giáo dục thực hiện bằng được đổi mới với tinh thần cầu thị và kiên trì.

Phó Thủ tướng lưu ý, cán bộ làm văn hóa phải làm gương từ trong ra, cố gắng phấn đấu là tấm gương của văn hóa. 

“Mọi người khi được khen là đẹp, giàu, học cao thì chắc chắn không thấy được động viên bằng khen “có văn hóa”, Phó Thủ tướng nói, đồng thời mong các cấp, ngành bằng hành động cụ thể chú trọng hơn đến văn hóa, dành cho văn hóa nhiều thời gian và nguồn lực hơn.

Xem Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hóa toàn quốc

Hương Quỳnh

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa

Tổng Bí thư: Đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa.