‘Không cần giải thích nhiều, người Trung Quốc thấy là mua’
Dẫn đoàn đi tham quan và kiểm tra hàng chục dây chuyền sản xuất ở Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa, bà Trịnh Thị Hồng Vân - Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa (doanh nghiệp sở hữu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa), cho biết, từ yến tổ đến sản phẩm sau chế biến trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều trải qua rất nhiều công đoạn.
Những ngày qua, tất cả dây chuyền sản xuất cùng 1.200 công nhân nhà máy phải hoạt động hết công suất, đưa 10 tấn yến thô vào sơ chế, chế biến ra hơn 20 dòng sản phẩm khác nhau như: yến tổ thiên nhiên, yến tinh chế, tinh chất yến sào, nước yến...
“Nguồn nguyên liệu yến thô này được thu mua từ các nhà yến vệ tinh liên kết, liên doanh do công ty chuyển giao công nghệ nuôi chim yến, không phải hàng nhập khẩu. Trên mỗi sản phẩm, công ty đều gắn mã QR code để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc đến tận nhà yến và ngày giờ thu hoạch”, bà nói thêm.
Đến nay, ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm yến sào của công ty đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhất là các thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản... Đặc biệt, cuối năm ngoái, sản phẩm yến sào đã được xuất khẩu chính ngạch thành công sang thị trường Trung Quốc nhờ nghị định thư được ký kết, thay vì qua đường tiểu ngạch như trước.
Nhiều năm đưa sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường, nữ chủ tịch Yến sào Khánh Hòa chia sẻ, để bán được hàng ở các quốc gia Âu - Mỹ không hề dễ. Người tiêu dùng ở những thị trường này chưa hiểu biết về sản phẩm. Khi được giới thiệu tổ yến là sản phẩm siêu bổ dưỡng tốt cho sức khỏe, nhiều “khách tây” vẫn còn ngờ vực vì họ chưa hiểu được công dụng.
Còn ở Trung Quốc thì ngược lại. Đây là thị trường tiêu thụ yến lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê, năm 2020, Trung Quốc đã nhập khẩu 220 tấn tổ yến theo đường chính ngạch. Đến năm 2021, lượng yến nhập khẩu tăng lên hơn 300 tấn và năm 2022 là 452 tấn - tương đương trên 8 tỷ USD và chiếm 80% thị phần trên toàn cầu.
“Người tiêu dùng Trung Quốc rất am hiểu về sản phẩm yến sào. Với họ, yến sào là thực phẩm cao cấp, rất quý nên thường được chọn làm quà biếu tặng trong các dịp lễ tết và sự kiện quan trọng. Có nhu cầu là họ mua, mình không cần giải thích nhiều”, bà Vân tiết lộ.
Đây cũng là lý do, các doanh nghiệp sản xuất yến không chỉ ở nước ta mà còn ở các quốc gia khác đều mê thị trường Trung Quốc và muốn đưa hàng sang để bán.
Yến sào Sanvinest Khánh Hòa cũng là một trong nhiều doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này. Do đó, từ nhiều năm trước, công ty chuẩn bị nhân sự thành thạo tiếng Trung, cán bộ nhân viên được đào tạo chuyên sâu, am hiểu ngành nghề yến sào, nắm được quy trình khai thác, sản xuất để thuận lợi hơn trong việc đàm phán.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc thủ tục xuất khẩu đòi hỏi cao và rất khác biệt.
Để xuất khẩu chính ngạch, công ty phải đáp ứng các thủ tục về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thực hiện sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao theo yêu cầu đặt hàng của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, các hồ sơ, thủ tục cũng phải chuẩn xác để Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh giá trực tuyến trước khi cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Sau một thời gian xuất khẩu chính ngạch, người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá rất cao về chất lượng của tổ yến thiên nhiên của Khánh Hoà. Thậm chí, so với các quốc gia như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, người tiêu dùng thị trường tỷ dân còn phong yến đảo tự nhiên Việt Nam là “yến vua”, bà Vân kể.
Theo đó, hoạt động xuất khẩu yến sào sang thị trường Trung Quốc ngày càng thuận lợi. Từ cuối năm ngoái đến nay, rất nhiều đơn hàng với nhà nhập khẩu Trung Quốc được ký kết. Trong đó, có khách mua muốn nhập hàng tấn yến.
“Chúng tôi đang nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu sản phẩm tinh chất yến sào Sanvinest sang Trung Quốc và một số thị trường khác”, bà Vân cho hay.
Mục tiêu của công ty là tăng mạnh xuất khẩu sản phẩm yến sào sang thị trường Trung Quốc trong năm nay. Các năm sau đó, sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ 35-40% mỗi năm.
Yến sào sẽ thành hàng tỷ USD
Yến sào là thực phẩm siêu bổ dưỡng, song trên thế giới chỉ có 4-5 quốc gia sản xuất và kinh doanh mặt hàng này, trong đó có Việt Nam. Theo bà Vân, nước ta có đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam thuận lợi cho nuôi chim yến và khai thác yến sào đảo tự nhiên. Chế biến yến sào cũng là thế mạnh của doanh nghiệp Việt.
Bà Vân tiết lộ, công ty có một trung tâm nghiên cứu khoa học. Đơn vị này chuyên nghiên cứu các sản phẩm mới, đồng thời nghiên cứu phát triển quần thể đàn chim yến bằng cách di đàn và nhân đàn. Thành quả, từ 8 đảo và 40 hang yến mà công ty đã tiếp nhận ban đầu, nay đã di đàn và nhân đàn, phát triển lên 33 đảo với 173 hang yến.
Nhờ khai thác yến đảo và thu hoạch tổ ở nhà yến vệ tinh mà nguồn cung nguyên liệu luôn ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay, nước ta có khoảng 24.000 nhà yến, sản lượng tổ yến đạt khoảng 150-200 tấn/năm. Kế hoạch đặt ra trong chiến lược phát triển đến năm 2030, sản lượng tổ yến cả nước dự kiến đạt 350-400 tấn/năm.
“Yến sào là mặt hàng có giá trị kinh tế rất lớn. Việc mở cửa được thị trường tiêu thụ yến lớn nhất thế giới Trung Quốc là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp yến sào. Thế nên, phát triển tốt sản phẩm, khai thác hiệu quả các thị trường, yến sào sẽ trở thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD trong tương lai”, bà Trịnh Thị Hồng Vân nhận định.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, bà cho rằng các doanh nghiệp ngành yến, trong đó có Yến sào Sanvinest Khánh Hòa, phải nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng ở mỗi thị trường.
Bên cạnh đó, chú trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại. Bởi, trong kinh doanh, khách hàng hài lòng thì chúng ta mới thành công.
Bà dẫn chứng, thương mại điện tử phát triển như vũ bão nên ngoài thị trường truyền thống, công ty cũng đẩy mạnh tiêu thụ qua các sàn bán hàng online.
Trong năm nay, công ty xây thêm nhà máy sản xuất với trang thiết bị hiện đại, ứng dụng 4.0 để nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro.
Hay như trong xu hướng tiêu dùng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, công ty cần phải chuyển đổi để thích ứng. “Chúng tôi nghiên cứu và sử dụng các mẫu mã bao bì thân thiện môi trường; đồng thời chuẩn bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để vừa có nguồn điện sạch phục vụ sản xuất, vừa góp phần giảm phát thải ra môi trường”, bà nói thêm.
Người đứng đầu Yến sào Khánh Hòa nhận định, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh hiện không chỉ là nền tảng phát triển, mà còn đảm bảo sự sống còn của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã dán nhãn xanh cho sản phẩm. Nếu không bắt nhịp, doanh nghiệp sẽ bị tụt lại phía sau, bị loại khỏi sân chơi toàn cầu.
Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km, cùng 40 con sông dài từ 10km trở lên tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày, khí hậu lại tương đối ôn hòa... là cơ sở hình thành nguồn thức ăn phong phú cho chim yến và phát triển đàn chim yến để khai thác tổ. Hiện nay, Khánh Hòa nằm trong top 10 địa phương có quy mô nhà yến lớn nhất ở nước ta. Đặc biệt, tổ yến đảo thiên nhiên Khánh Hòa được đánh giá cao về chất lượng. Sau khi khai thác, mang về làm sạch có thể bán ra thị trường với giá 68-248 triệu đồng/kg tuỳ loại. |