4 thí sinh góp mặt tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2024 gồm: Trần Trung Kiên (học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên) nhất Quý 1 với 235 điểm; Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Gia Lai) nhất Quý 2 với 250 điểm; Võ Quang Phú Đức (học sinh Trường THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế) nhất Quý 3 với 185 điểm; Nguyễn Nguyên Phú (học sinh Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm, Hà Nội) nhất Quý 4 với 215 điểm.
Bước vào phần thi khởi động, mỗi thí sinh có một lượt trả lời cá nhân bằng cách bấm chuông, gồm 6 câu hỏi trị giá 10 điểm một câu. Ở phần thi chung, thí sinh được 10 điểm nếu trả lời đúng và nếu sai bị trừ 5 điểm. Ngay từ phần thi này, các thí sinh đều dành cho mình những điểm số tốt. Khoảng cách giữa các nhà leo núi lúc này chưa nhiều.
Trong phần thi đầu tiên, Phú Đức thể hiện sự xuất sắc khi trả lời đúng cả 6 câu hỏi và giành được số điểm tối đa trong lượt thi của mình. Tiếp sau là Nguyên Phú giành được 40 điểm, Trung Kiên 40 điểm và Nhật Minh 20 điểm.
Ở phần thi Vượt chướng ngại vật, ban tổ chức cho biết từ khóa của chướng ngại vật có 7 chữ cái. Hàng ngang gồm 4 chữ cái, liên quan đến câu hỏi về Toán học. Ngay sau đó, Phú Đức ấn chuông trả lời chướng ngại vật là “Net zero”, ngay khi chưa có đáp án về câu hỏi đầu, cũng chưa có bất cứ dữ liệu nào liên quan đến chướng ngại vật. Khán giả như vỡ òa khi các MC công bố nam sinh đã có câu trả lời đúng.
Câu trả lời rất nhanh nhưng đầy chính xác đã giúp Phú Đức có thêm 60 điểm, nâng tổng điểm lên thành 135, tăng khoảng cách về điểm số một cách chóng mặt so với những thí sinh khác.
Phần thi tăng tốc với những câu hỏi hóc búa và đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác cao khi điểm số phụ thuộc vào câu trả lời đúng và nhanh nhất. 4 nhà leo núi vào phần thi mới với không khí cuộc thi căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi Phú Đức giành chiến thắng tuyệt đối ở phần thi trước.
Kết thúc phần thi này, nam sinh xứ Huế không chỉ tiếp tục dẫn đầu đoàn leo núi với 235 điểm mà còn tạo ra cách biệt khá lớn với các bạn chơi khác. Lúc này, Trung Kiên tạm xếp thứ hai với 120 điểm, Nguyên Phú có 105 điểm và Nhật Minh có 85 điểm.
Chiến thắng 3/4 phần thi, nam sinh xứ Huế đang tạm dẫn đầu. Tại phần thi về đích, nam sinh xứ Huế chọn gói 3 câu hỏi 20 điểm để bước vào cuộc chiến. Đứng trước chặng leo núi cuối cùng, gương mặt của nam sinh trở nên nghiêm túc và căng thẳng hơn bao giờ hết.
Câu trả lời đầu tiên chính xác của em đã khiến các thí sinh còn lại không có cơ hội giành điểm. Nam sinh trả lời sai ở câu thứ 2, lượt trả lời đã phải nhường cho các thí sinh khác. Trong câu hỏi số 3 liên quan đến loại cây trên đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) xuất hiện trong bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phú Đức trả lời sai câu hỏi này. Nguyên Phú giành quyền trả lời và đưa ra đáp án chính xác là “cây bão táp”. Phú Đức kết thúc lượt chơi của mình với 235 - giữ nguyên so với lúc đầu.
Trong phần thi Về đích của Trung Kiên, câu hỏi đặt ngôi sao hi vọng bị bỏ lỡ, nhường lại quyền trả lời cho các thí sinh khác. Ngay lập tức, chuông báo trả lời của Nguyên Phú vang lên. Sau một hồi trả lời và giải thích đáp án, cậu nam sinh THPT Chuyên ĐH Sư Phạm xuất sắc nâng điểm số từ 185 lên 215, chỉ cách người dẫn đầu 20 điểm.
Vào khoảnh khắc quyết định cuối cùng, Phú Đức may mắn dành quyền trả lời. Dù đáp án không chính xác và bị trừ 15 điểm nhưng nhờ bấm chuông chiến thuật, nam sinh vẫn đem về chiếc vòng nguyệt quế cho THPT Chuyên Quốc học, Thừa Thiên - Huế. Tổng điểm của em lúc này là 220, Nguyên Phú (về nhì) cách biệt chỉ 5 điểm.
“Trong cuộc thi, em thấy căng thẳng nhất là khi bạn chơi Nguyên Phú chỉ còn cách mình 20 điểm. Em nhận ra đó là tình thế mà em đã từng gặp ở trận thi Quý 3 và trong đầu em đã có sẵn chiến thuật để đối phó”, Phú Đức chia sẻ.
Các nhà leo núi vỡ òa cảm xúc và ôm chầm lấy nhau sau khi thực hiện xong ngày thi của mình.
Phú Đức chia sẻ: "Trước ngày thi đấu, em đã sẵn sàng để "ra biển lớn", quyết tâm giành vòng nguyệt quế và hôm nay em đã làm được".