Trở về Việt Nam đúng dịp mùa thu tháng Tám, bà Phạm Thị Việt, 76 tuổi, kiều bào Thái Lan có rất nhiều cảm xúc khó có thể diễn tả hết bằng lời. Bà là một trong những giáo viên tham dự Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023.
Hơn 60 năm qua, bà đã dành tâm huyết để bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt, chữ viết Việt Nam trên đất Thái Lan.
Bà chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nhưng ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được cha mẹ dạy rằng: “Dù sống và làm ở đâu cũng không bao giờ được quên nguồn cội, quên tiếng nói mẹ đẻ”. Ở nhà, bố mẹ hoàn toàn nói tiếng Việt với các con. Khi nhỏ, bà cũng được tiếp xúc với các bác, các chú trong Hội kiều bào Việt Nam tại Thái Lan và học tập viết tiếng Việt từ năm 6 tuổi.
“Ngay từ khi còn bé, tình yêu quê hương, đất nước Việt Nam và nơi chôn nhau cắt rốn đã thấm vào da thịt chúng tôi, trở thành một lẽ sống, lý tưởng sống trong mọi suy nghĩ và hành động. Cũng rất dễ hiểu vì sao mà hàng chục năm qua, tuy cuộc sống gia đình còn khó khăn, tôi và mọi người quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp chung của cộng đồng.
Tôi tin rằng, những gì mình làm cho sự nghiệp gieo mầm tiếng Việt, gìn giữ truyền thống dân tộc ở nơi xa xứ là việc làm có ích cho đất nước, khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc Việt Nam cho con cháu mình”, bà tâm sự.
Bà Việt cho biết thêm, về nước lần này cùng bà có 7 thành viên nữa. Tất cả đều là giáo viên không chuyên, dạy các lớp học tiếng Việt miễn phí ở Thái Lan.
“Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên đất Thái Lan. Xa quê hương, xa Tổ quốc, điều kiện học tập tiếng Việt khó khăn, không tài liệu, không giáo án nhưng cộng đồng người Việt ở Thái Lan rất trân trọng và quyết tâm không để tiếng Việt bị mai một.
Hiện con em kiều bào bên đó đều có thể nói được tiếng Việt. Đồng thời, chúng tôi luôn bảo vệ và gìn giữ phong tục tập quán truyền thống Việt Nam, thắt chặt khối đại đoàn kết của kiều bào Thái Lan với Tổ quốc”, người phụ nữ lớn tuổi nói.
Bà khẳng định, hạt giống Việt Nam gieo trên mảnh đất nào cũng đâm chồi nảy nở và có thành tựu, dù là ở châu Âu, châu Á... làm rạng danh non sông. Con em kiều bào Thái Lan có rất nhiều người thành đạt, là bác sĩ, kỹ sư, thương nhân…
Với vị thế ngày càng nâng cao của quốc gia, nhiều trường trung học, đại học của Thái Lan đã và đang có chương trình dạy tiếng Việt và văn hóa Việt.
Đặc biệt, hiện nay, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mở lớp tập huấn cho các giáo viên người Việt ở nước ngoài, có tài liệu, có bài tập, video… đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em kiều bào ở nước ngoài học tiếng mẹ đẻ.
"Lớp tập huấn dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức giúp tôi có thêm nhiều kiến thức bổ ích, kỹ năng sư phạm để dạy các cháu được tốt hơn. Đây là sự quan tâm, tình cảm của Đảng, Nhà nước dành cho kiều bào xa quê như chúng tôi", bà Việt nói.
Kể về hành trình dài truyền tình yêu tiếng Việt cho nhiều thế hệ kiều bào Thái Lan, bà bồi hồi xúc động: “Tôi bắt đầu hỗ trợ dạy tiếng Việt khoảng năm 14 tuổi. Lớp học ngày ấy chỉ là bếp, sân chơi. Học sinh là các em, các cháu trong xóm. Phương pháp dạy chủ yếu là truyền khẩu, tức là chỉ vào đồ vật rồi đọc… Sau tôi nhận thấy, cần phải dạy thêm chữ viết nên dạy mọi người tập viết. Lúc nào rảnh hay chơi ngoài sân lại lấy cây khô viết trên mặt đất cho quen…
Những thế hệ đầu tiên tôi dạy giờ cũng góp sức mình tham gia dạy tiếng Việt cho các thế hệ kế tiếp. Việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào không chỉ trở thành phong trào mà còn là hoạt động thường xuyên, liên tục, mang tính chất quan trọng với chúng tôi”.
Hiện nay, dù tuổi cao nhưng bà Việt vẫn cần mẫn đưa tiếng Việt đến với các cháu nhỏ. Ngoài tài liệu giảng dạy, sách vở bà dùng giáo cụ trực quan, dạy theo chủ đề để trẻ hiểu. Ví dụ: Dạy về dọn dẹp nhà cửa sẽ có vật dụng chổi, cây lau nhà, khăn, bụi bẩn, vệ sinh. Dạy về nấu ăn sẽ có thực phẩm tương ứng với món định nấu, ví dụ món phở bò, sẽ có bánh phở, thịt bò, xương, hành...; bánh chưng có gạo nếp, lá chuối, thịt mỡ, đậu xanh...
Ngoài ra, các cháu được học về phong tục, tập quán, tín ngưỡng... của Việt Nam. Để tiết học không nhàm chán, bà sẽ kể chuyện cổ tích như Chiếc nồi đồng; Trầu cau và dạy các cháu múa, hát.
Khi các cháu học nói và viết được cơ bản, bà hướng trẻ đọc truyện, sách tiếng Việt, tăng cường giao tiếp để phát triển vốn từ, tăng tính ứng dụng. Một điều đặc biệt trong những tiết học tiếng Việt của bà là luôn có câu chuyện về Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
“Tôi sinh ra ở làng Nachok, Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom – nơi ghi dấu ấn những năm hoạt động cách mạng của Bác trên đất Thái Lan. Đó là niềm tự hào và cũng là động lực để tôi dành trọn tâm huyết của mình cho công việc này.
Hiện ở đây có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người (19/05/2016). Khu tưởng niệm được coi như một biểu tượng của sự hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam - Thái Lan.
Tôi dạy tiếng Việt cho các cháu không phải là dạy ngoại ngữ mà là trao truyền di sản dân tộc – nơi mình có dòng máu chảy trong tim”, bà chia sẻ thêm.
Với tất cả lòng yêu nghề, yêu quê hương đất nước, bà Việt và các thầy cô giáo kiều bào ở Thái Lan vẫn đang tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê, kết nối sợi dây bền chặt giữa các thế hệ người Việt đang sinh sống trên quê huơng thứ hai - Thái Lan.