Vị CEO 46 tuổi của Tesla và SpaceX, đồng sáng lập của OpenAI, đã từng nói rằng mình sẽ không thể vui vẻ cho tới khi thoát khỏi Trái Đất và thuộc địa hóa được Sao Hỏa. May mắn thay, ông có đủ tiền bạc lẫn trí óc để có thể hiện thực hóa điều đó.
Dù có tài sản ròng khổng lồ khoảng 20,1 tỷ USD, Elon Musk chưa từng nhận một đồng lương thưởng nào từ Tesla, và cũng từ chối luôn mức lương tối thiểu 56.000 USD mỗi năm.
Hôm thứ Tư vừa qua, các cổ đông Tesla đã phê duyệt một kế hoạch thưởng cho Elon Musk 2,6 tỷ USD theo trị giá cổ phiếu nếu công ty đạt được các cột mốc quan trọng trong thập kỷ tới. Mức 2,6 tỷ USD này tính theo giá cổ phiếu hiện tại, do đó nếu Musk đạt được mục tiêu, và giá cổ phiếu của Tesla tăng trong quãng thời gian đó, thì ông có thể thu về hơn 50 tỷ USD.
Trước đó vào tháng Một, Tesla tuyên bố sẽ không trả cho Musk dù chỉ một xu trong 10 năm tới - không lương, thưởng, hay cổ phiếu - cho tới khi công ty đạt vốn hóa thị trường 100 tỷ USD. Nếu điều này xảy ra, Musk sẽ có thể lật đổ CEO Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất hành tinh.
Là một người say mê công việc, Elon Musk không có thói quen chi tiền cho các kỳ nghỉ xa hoa hay các thói quen đắt đỏ. Thay vào đó, ông dành gần hết thời gian tại văn phòng hay các công xưởng, hoặc "trốn" trong một trong bốn biệt thự tại Los Angeles.
Sinh ra và lớn lên ở Nam Phi, Musk đã tự dạy mình cách lập trình. Năm 12 tuổi, ông bán được mã nguồn game đầu tiên của mình với giá 500 USD.
Ngay trước sinh nhật lần thứ 18, Elon Musk chuyển đến sống ở Canada và làm nhiều công việc lao động chân tay, bao gồm xúc ngũ cốc, cắt các khoanh gỗ, và cuối cùng là lau chùi phòng chưng nấu trong một nhà máy xay gỗ với mức lương 18 USD/giờ - một mức lương khá ấn tượng vào năm 1989.
Sau khi gây ấn tượng với một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nova Scotia, Musk cùng anh trai đi thực tập mùa hè tại đây và nhận mức lương 14 USD/giờ.
Sau khi bắt đầu học năm 1 tại Đại học Queen vào năm 1990, Elon Musk nhanh chóng kiếm được một việc làm thêm khá thú vị: bán các linh kiện máy tính hoặc máy tính bộ cho các sinh viên khác. "Tôi có thể ráp một dàn máy tính đáp ứng nhu cầu của họ, như một cỗ máy chơi game cấu hình khủng hay một máy tính chỉ để dùng Word mà thôi, tất nhiên là với giá thấp hơn giá tiệm" - Musk chia sẻ.
Trong hai năm, Musk chuyển đến Đại học Pennsylvania thông qua một học bổng một phần. Để "che giấu" công việc làm ăn của mình, Musk và một người bạn biến nhà mình thành một quán bar vào các dịp cuối tuần, với mức phí "ăn chơi" là 5 USD. "Tôi đã tự mình chi trả cho mọi chi phí Đại học và có thể kiếm được số tiền thuê cả tháng chỉ trong một đêm" - Musk nói.
Ông tốt nghiệp Đại học với bằng cử nhân về vật lý và một bằng kinh tế tại Trường Wharton, trước khi chuyển đến Stanford để học Thạc sỹ. Tuy nhiên, vừa học được vài ngày, Musk đã bỏ dở để cùng anh trai lập nên một startup internet mang tên Zip2 - một phần mềm hướng dẫn du lịch trong thành phố dành cho các tờ báo. Được biết, cha của Elon Musk đã cung cấp khoảng 28.000 USD để làm tiền vốn.
4 năm sau, tức vào năm 1999, hai anh em bán Zip2 với giá 307 triệu USD, mang về cho Elon Musk 22 triệu USD. Ông đầu tư hơn một nửa số tiền này để cùng sáng lập ra X.com - một dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Công ty nhanh chóng sáp nhập với đối thủ và trở thành PayPal, với Musk là một cổ đông lớn. Năm 2002, eBay mua lại PayPal và Musk bỏ túi khoảng 180 triệu USD.
Sau khi rời PayPal, Musk chuyển hướng sang công ty về khám phá vũ trụ mới thành lập - SpaceX. Một vài năm sau, ông tiếp tục đồng sáng lập ra công ty xe hơi điện Tesla, và nhà cung cấp hệ thống điện mặt trười SolarCity. Sự thành công của các công ty này đã đưa Musk vào hội các đại gia tỷ đô... Thế nhưng, ít ai biết rằng, trước khi điều này thành hiện thực, Musk từng lâm vào cảnh phá sản.
Cuối năm 2008, Elon Musk li dị người vợ đầu tiên, và vụ việc này đã khiến tài chính của ông bị lung lay. Một năm sau đó, Musk cho biết ông đã "hết sạch tiền" và phải sống nhờ tiền vay mượn từ bạn bè, trong khi cố gắng giữ cho các công ty mình quản lý tồn tại. Năm 2010, Tesla bước lên sàn chứng khoán, và đó cũng là lúc vận may và tài sản của Musk lên như diều gặp gió. Đến năm 2012, ông đã lần đầu góp mặt trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của tạp chí Forbes, với tài sản ròng lên đến 2 tỷ USD.
Hơn 5 năm sau, khối tài sản khổng lồ của Musk đã tăng lên 20,4 tỷ USD. Tất nhiên, ông chẳng hề ngại ngùng trong việc tiêu xài số tiền này.
Vị CEO này sở hữu số bất động sản giá trị hơn 70 triệu USD tại khu Bel-Air ở Los Angeles. Ngôi nhà mới nhất - cũng là ngôi nhà thứ 5 của ông - là một căn biệt thự vẫn đang trong quá trình xây dựng, trị giá 24 triệu USD.
Elon Musk bắt đầu vung tiền mua bất động sản tại Bel-Air từ cuối năm 2012, mở màn bằng một khu đất rộng hơn 6.700 mét vuông, trị giá 17 triệu USD. Trên khu đất này, Musk cho xây một căn biệt thự rộng hơn 1.881 mét vuông, với một thư viện cao hai tầng, một rạp chiếu phim tại gia, một phòng gym, và một kho chứa hơn 1.000 chai rượu.
Là lãnh đạo của một trong những nhà sản xuất xe hơi hiện đại bậc nhất thế giới, không ngạc nhiên khi Musk có một tình yêu mãnh liệt với xe hơi. Vào năm 2013, ông đã chi 920.000 USD tại một cuộc đấu giá để sở hữu chiếc xe tàu ngầm Lotus Esprit vốn được sử dụng trong một tập phim James Bond. Ngoài ra, bên cạnh việc lái một vài chiếc Tesla của mình, ông còn sắm thêm 2 chiếc xe hơi khác: một chiếc Ford Model T và một chiếc Jaguar E-Type Series 1 Roadster.
Dù tiền không thiếu, nhưng Musk lại không hứng thú với những kỳ nghỉ xa hoa, hay nói chung là bất kỳ kỳ nghỉ nào. Năm 2015, ông cho biết mình chỉ nghỉ đúng 2 tuần kể từ khi thành lập SpaceX vào 12 năm trước. Người ta đồn rằng Elon Musk làm việc từ 80 đến 90 tiếng mỗi tuần!
Tuy vậy, ông luôn dành thời gian cho con cái. "Tôi là một người cha khá tốt" - Musk nói - "Tôi sống với con trong khoảng nửa tuần, và dành kha khá thời gian với chúng. Tôi cũng dẫn chúng theo khi có việc đi khỏi thành phố". Theo một tweet từ năm 2014, Elon Musk cho biết mỗi năm ông và 5 đứa con trai của mình đều đi cắm trại ngoài trời. Ảnh dưới là Elon Musk chụp cùng cặp sinh đôi của mình, cùng người vợ cũ Talulah Riley.
Năm 2012, Musk ký lời thề Giving Pledge, đồng ý hiến tặng phần lớn tài sản trong suốt phần đời của mình. Dù ông đã và đang tích cực cải thiện môi trường và tương lai của con người, Musk còn quyên góp một lượng lớn tiền cho nhiều mục đích mà ông quan tâm khác, bao gồm một món quà trị giá 10 triệu USD cho Viện Future of Life nhằm nghiên cứu và đề xuất các điều luật kiểm soát trí thông minh nhân tạo.
Sau mỗi ngày làm việc, vị tỷ phú này tận hưởng những sở thích rất bình thường như nghe nhạc, chơi game, và đọc sách. "Dẫn con đi chơi, gặp bạn bè, những thứ bình thường" - ông nói - "Đôi lúc quậy tung Twitter lên. Nhưng thường thì nó liên quan công việc hơn".
Theo GenK