Được các y bác sĩ tặng lại những bức ảnh quý giá về ca sinh mổ đặc biệt, sản phụ Lò Thị K. (33 tuổi, Điện Biên) không giấu nổi những giọt nước mắt. Đây là lần đầu tiên, K. nhìn thấy hình ảnh con gái khi chào đời, bởi khoảnh khắc ấy, cô đang hôn mê nguy kịch.
Người mẹ trẻ gọi gần 2 tháng chống chọi với căn bệnh Covid-19 là chuyến “hành trình sinh tử” của hai mẹ con.
Vợ chồng K. hiếm muộn 11 năm nay, đã chạy chữa khắp nơi, cả Đông y và Tây y nhưng đều vô vọng. Đến cuối năm 2020, sau nhiều lần thụ tinh ống nghiệm, K. có tin vui trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Không may mắn, ở tuần thai 34, cô mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc gần một ca F0. Sản phụ được chuyển từ cơ sở y tế địa phương lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đêm 19/5 do diễn tiến nặng. Khi nhập viện, bệnh nhân đã suy hô hấp, cần hỗ trợ thở oxy, sau đó thở oxy mask. Phổi của cô tổn thương nặng nề, kèm tình trạng rối loạn đông máu, theo dõi tiền sản giật.
“Thấy cơ thể yếu dần, cơn khó thở mỗi ngày một nặng, lòng tôi như có lửa đốt vì lo cho con. Cháu là tất cả với vợ chồng tôi. Từ hôm chuyển viện tới tận trước ca phẫu thuật, tôi gần như không thể ngủ”, K. nhớ lại.
Đêm 21/5, nhận thấy nguy cơ suy thai rất cao do người mẹ thiếu oxy, các bác sĩ lập tức hội chẩn, chỉ định mổ cấp cứu để giữ an toàn cho cả mẹ và con. K. khi ấy vẫn còn chút tỉnh táo. Cô đã thoáng nghĩ đến tình huống xấu nhất nhưng nhanh chóng trấn an bản thân, thầm động viên con cùng cố gắng.
Trong quá trình phẫu thuật, K. hôn mê, phải đặt ống thở máy. Còn em bé chào đời khỏe mạnh, nặng 2,6kg, chuyển về Khoa Nhi theo dõi.
Bé gái chào đời tại phòng mổ cách ly, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đêm 21/5 |
Những giờ đầu đời của bé gái không có mẹ kề cạnh, cũng không có người thân chăm sóc. Bố của con mắc Covid-19, đang điều trị tại bệnh viện địa phương, trong khi hai bên nội ngoại hầu hết thuộc diện F1.
Lúc này, hai nữ điều dưỡng Khoa Nhi đã vắt sữa, tặng lại cho con uống. Qua nhiều ngày ở lại viện, trẻ có ba lần liên tiếp xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2, được đưa về Bắc Ninh cách ly, sau đó về Điện Biên với ông bà nội.
Người mẹ điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, tiếp tục phải thở máy, can thiệp lọc máu trong những ngày tiếp theo. Do tổn thương phổi có bội nhiễm vi khuẩn, việc chăm sóc hô hấp của cô kéo dài hơn bệnh nhân bình thường. Sau 3 tuần thở máy, 9 lần lọc máy liên tục, cô mới bỏ được ống nội khí quản, dần chuyển về thở oxy, thở khí phòng.
K. không nhớ chính xác thời điểm lấy lại được ý thức, chỉ nhớ câu nói đầu tiên của y bác sĩ khi ấy: “Hãy yên tâm nhé. Tất cả mọi chuyện đã ổn rồi”. Người mẹ trẻ bất giác rơi nước mắt, vội hỏi về con gái.
“Bác sĩ nói rằng từ khi sinh ra, con đã được quan tâm chăm sóc chu đáo. Bây giờ cháu rất khỏe mạnh, đã về nhà với người thân, nên tôi cứ yên tâm chữa trị. Lúc ấy, tôi chỉ biết khóc vì mừng, rất biết ơn các điều dưỡng tặng sữa cho cháu”, cô nhớ lại.
Hàng ngày, K. vẫn gọi điện về nhà để được nhìn thấy con qua video. Không có sữa mẹ, ông bà nội cho bé dùng sữa công thức. Đến nay, con đã được hơn 1 tháng tuổi, ăn ngủ rất ngoan và ít quấy khóc. Bé là nguồn động lực lớn nhất giúp K. cố gắng ăn uống, tập luyện để hồi phục sức khỏe trong những ngày còn nằm viện.
“Nhìn thấy con, tôi hạnh phúc lắm, nhưng cũng thương con vô cùng. Xót xa vì cháu vừa chào đời đã phải xa bố mẹ, không được bú sữa mẹ, không có mẹ kề cận ôm ấp, vỗ về”, K. nói.
Người mẹ trẻ tâm sự, khi con ra đời, vợ chồng cô chưa kịp nghĩ tên cho con. Đến nay, bé đã được bố đặt cho cái tên rất đặc biệt: “Lường Hạ Vy”, trong đó từ “Hạ” do sinh vào mùa hạ, từ “Vy” để kỷ niệm con đã kiên cường cùng mẹ chiến thắng dịch “Covy”.
Bệnh nhân Lò Thị K. được công bố khỏi bệnh hôm 26/6 |
Ngày 26/6, K. được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh sau đủ số lần âm tính SARS-CoV-2. Cô đã hoàn toàn khỏe mạnh, có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường. Đến ngày 27/6, cô xuất viện, tuy nhiên phải tiếp tục cách ly 14 ngày tại địa phương, chưa thể gặp con.
Mong ước lớn nhất của cô là sớm kết thúc cách ly, người chồng cũng sớm khỏi bệnh để cả gia đình được đoàn tụ. Hạnh phúc bình dị này, vợ chồng cô đã khao khát suốt 11 năm.
“Sau này Vy lớn lên, tôi nhất định sẽ kể cho con nghe về “hành trình sinh tử” đặc biệt của hai mẹ con, để con thấy gia đình mình đã kiên cường như thế nào trong những ngày có đại dịch Covid-19 và sự chào đời của con là điều kỳ diệu thế nào”, K. chia sẻ.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Nguyễn Liên
Mẹ mắc Covid-19 hôn mê, bé sơ sinh được điều dưỡng vắt sữa nuôi dưỡng
Những giọt sữa đầu tiên nuôi lớn bé là từ các nữ điều dưỡng Khoa Nhi, những người cũng đang bỏ lại con chỉ mới 6,7 tháng tuổi để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.