Ở tuổi 25, Lê Na xung phong đứng vào hàng ngũ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan. Cô là chiến sĩ trẻ nhất trong lực lượng.
“Ba mẹ thương yêu!
Lần đầu tiên sau 25 năm, con gái mới có can đảm rời vòng tay yêu thương của ba mẹ. Cho phép con tự do rong chơi và thỏa sức vẫy vùng trong khoảng trời rộng lớn bên ngoài thế giới, như những chuyến công tác Trường Sa, Côn Đảo của ba mà con mơ ước từ thơ bé.
Con cứ nghĩ rằng bản thân mạnh mẽ, nhưng vẫn không kìm nước mắt trước giờ lên máy bay.
Con chỉ khóc hôm nay một chút thôi vì con biết rằng dù tạm xa nhau, lúc nào gia đình mình vẫn luôn nhớ về nhau.
Con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và sớm trở về với vòng tay của ba mẹ”.
Thiếu úy Lê Na (25 tuổi, quê Bến Tre) viết thư gửi ba mẹ trước giờ lên đường sang Nam Sudan.
Trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc, Lê Na trẻ tuổi nhất và cũng là nữ quân nhân đầu tiên của vùng đất Tây Nam Bộ tham gia lực lượng.
Giấc mơ trở thành "Hậu duệ mặt trời"
Vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, Lê Na nộp đơn xin công tác tại Bệnh viện Quân y 175.
Cơ duyên bắt đầu khi Na đạt kết quả cao trong kỳ thi và được tuyển chọn huấn luyện trong đội hình bệnh viện dã chiến.
Từ cô sinh viên trường y với giấc mơ trở thành người lính giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc như “Hậu duệ mặt trời”, Lê Na chính thức khoác áo quân nhân.
13 nữ quân y tập luyện văn nghệ sau giờ huấn luyện. Những tiết mục này sẽ được biểu diễn trong đêm giao lưu văn nghệ với các đơn vị của nhiều nước trên thế giới. |
Cô gái gác lại những cuộc hẹn hò cùng nhóm bạn, xếp lại đầm, váy vóc, phấn son vào vali. Ở tuổi 25, Lê Na bắt đầu khóa huấn luyện chuyên nghiệp, “ăn bụi ngủ rừng” với cuộc sống dã chiến đúng nghĩa.
“Buổi tối đầu tiên nhận được tin trở thành quân nhân tham gia Bệnh viện dã chiến 2.3, tôi hét lên hết cỡ vì quá hạnh phúc. Dù biết Nam Sudan là nơi khắc nghiệt, tôi vẫn muốn dấn thân để trải nghiệm và cống hiến. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng và vinh dự, sao phải lo lắng?”, Lê Na chia sẻ.
Những ngày đầu tháng 3/2020, tất cả 63 nhân viên Bệnh viện dã chiến 2.3 bắt đầu khóa huấn luyện bằng các tình huống cấp cứu mô phỏng thực địa. Với điều kiện khắc nghiệt tại Nam Sudan, các bài tập này giúp quân nhân thích ứng nhanh. |
“Sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm ở Nam Sudan có khi đến 40 độ C khiến thể trạng người Việt khó thích nghi. Do đó, chúng tôi phải làm quen với thời tiết khắc nghiệt này trước khi đặt chân đến”, Lê Na say sưa kể về nơi sẽ sống và làm việc trong một năm tới.
Các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2.1 tặng quà, tư vấn sức khỏe cho người dân tại Nam Sudan. Đây là hình ảnh trong đợt xuất quân đầu tiên làm nhiệm vụ quốc tế của Việt Nam vào năm 2018. Ảnh: Chinh Tran. |
Một tuần trước ngày xuất quân, Na cắt đi mái tóc dài ngang hông, đen óng.
“Đơn giản là để thích nghi với thời tiết và thuận tiện khi làm nhiệm vụ thôi. Lúc anh thợ đưa lại chùm tóc, tôi tiếc ngẩn ngơ. Nhưng cảm xúc cũng qua nhanh thôi vì tôi thấy người thoải mái và gọn gàng hơn”, nữ thiếu úy chia sẻ.
Là con lớn trong gia đình có 2 chị em, ba mẹ đều ở quê nhà Bến Tre, Na cùng em gái sống tại TP.HCM. Mấy tháng trước, cô chuyển vào ở hẳn khu nội trú dành cho nhân viên bệnh viện để tiện công tác chuyên môn tại đơn vị.
Buổi chiều sau khi huấn luyện, Na hì hục thu dọn đồ đạc, nâng lên đặt xuống những thứ sẽ mang theo. Mỗi người sẽ có vali to để mang theo quần áo, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết.
Những vật dụng này trước khi đóng vali sẽ được các chuyên gia của Australia kiểm tra độ an toàn. Tất cả kiện hàng này được chuyển đến máy bay C17. |
“Ngoài giờ lên đơn vị, cuộc sống ở nhà của tôi khá đơn giản. Giới trẻ thích gì thì mình cũng có sở thích giống như vậy thôi, như cà phê, trà sữa, lướt mạng… Chỉ khác hơn một chút là mình không còn tự do như trước, sống theo kỷ luật và giờ giấc quân đội. Cảm thấy bản thân trưởng thành hơn nhiều”, Lê Na nói.
Trên ban công tầng 6, Na thường đứng ngắm nhìn thành phố. Cô gái 25 tuổi dần thích nghi với cuộc sống quân ngũ và hào hứng nghĩ về chuyến công tác đặc biệt. |
Bên cạnh rèn luyện chuyên môn, các y bác sĩ phải học nhiều môn phụ khác như nguyên tắc căn bản trong ứng xử của Liên Hợp Quốc, văn hóa, tôn giáo, chính sách liên quan thực địa. Đặc biệt, kỹ năng sinh tồn trong môi trường địa lý, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh được ưu tiên huấn luyện thuần thục.
Điển hình như kỹ năng xử lý khi bị cầy mangut, rắn độc, thổ dân bản địa tấn công, cách tự cứu mình trong cơn đói khát khi ở sa mạc…
Khoảng 3 tuần trước khi đi, công tác chuẩn bị quân tư trang, đóng gói vật tư y tế diễn ra khẩn trương. Bệnh viện sẽ mang theo hơn 60 tấn hàng hóa sang căn cứ mới. |
Hai tuần trước ngày xuất quân, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu, thực hành trên mô hình cơ thể người và sử dụng máy ép tim nhân tạo.
63 quân nhân Việt Nam sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến cấp 2 tại bang Bentiu (Nam Sudan). Bệnh viện này tương đương cơ sở y tế tuyến quận, huyện của Việt Nam và phải đảm bảo giải quyết được căn bản những cấp cứu nội, ngoại khoa.
Các y bác sĩ đã trải qua hơn một năm huấn luyện về chuyên môn quân y và nghiệp vụ gìn giữ hòa bình như cấp cứu chấn thương nâng cao (ITLS), cứu trợ đường không (AMET), luật nhân đạo quốc tế và ngoại dã chiến; huấn luyện lái xe rơ moóc, xe bọc thép BRT 152 cho lực lượng liên quan... |
Nụ hôn và nước mắt ngày xuất quân
Ngày xuất quân, Lê Na dậy sớm hơn mọi hôm. Cô tranh thủ dọn dẹp đồ đạc trong nhà và đón ba mẹ.
10h, bà Huỳnh Thị Thủy Tiên (63 tuổi) và ông Lê Dân Sinh (62 tuổi), ba mẹ của Lê Na, đến khu nhà ở tập thể của con gái.
“Thấy con mặc quân phục, tôi nhìn không ra. Tự nhiên cảm thấy xúc động và tự hào vô cùng. Con lớn rồi, có thể xác định hướng đi cho tương lai. Dù lựa chọn nào, dù con bé đi đến đâu, gia đình luôn ủng hộ và yêu thương”, bà Tiên chia sẻ.
Đứng trước cửa, người mẹ dáng gầy gò ngắm nhìn con gái hồi lâu. |
Nhiều tháng trước, Na tranh thủ về Bến Tre thường xuyên để ăn cơm với ba mẹ. Đoạn đường 100 km trở nên thân thuộc với nữ thiếu úy hơn dù trước đây cô ít khi về thăm nhà vì công việc.
“Tháng trước, Na dẫn tôi và ba cháu đi khám tổng quát mà tôi dùng dằng không chịu. Con gái cứ thuyết phục mãi, bảo rằng phải chắc chắn ba mẹ khỏe thì mới yên tâm đi công tác được. Tôi đành nghe con gái. Kết quả là ba mẹ khỏe đều”, ông Sinh nói.
Trên quãng đường ngắn ngủi từ nhà công vụ đến sân bay, ba mẹ liên tục dặn dò Na không được khóc. |
Theo lịch trình, Bệnh viện dã chiến 2.3 sẽ tập trung tại sảnh tòa nhà chính của Bệnh viện Quân y 175. Sau đó, 63 quân nhân cùng người thân sẽ lên xe đến bãi đỗ sân bay Tân Sơn Nhất.
15h, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cùng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chủ trì nghi thức làm lễ chào cờ và thực hiện điều lệnh.
Lễ chào cờ trang nghiêm tại sân bay Tân Sơn Nhất, trước giờ các chiến sĩ "mũ nồi xanh" lên máy bay C-17. |
Trên đường ra sân bay, Na khóc. Lần đầu tiên sau những tháng ngày say mê tập luyện và hạnh phúc trước nhiệm vụ mới, cô rơi nước mắt khi sắp xa gia đình. Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" sẽ làm thủ tục xuất cảnh, kiểm tra an ninh trước khi hành quân đến bãi đỗ trực thăng. Thời tiết TP.HCM lúc này gần 40 độ C nhưng đội hình đều tỏ ra hào hứng và phấn khởi trước giờ lên đường.
Trên đường ra máy bay, Lê Na đã rơi nước mắt. |
Nhưng sau đó cô vui vẻ chào tạm biệt mọi người. |
Ngồi ở hàng ghế dành cho người thân, ba mẹ Lê Na vươn người lên trước để tìm con gái trong hàng ngũ các chiến sĩ. |
Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.3, cho biết mỗi cán bộ, nhân viên y tế của đơn vị đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Họ đều cố gắng gác lại mọi việc dang dở để tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ quốc tế.
“Có người bận rộn với con cái, cha mẹ già yếu. Có đồng chí vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh và cả những người đã đi đợt một vẫn xung phong tiếp tục trở lại Nam Sudan”, Trung tá Hòa chia sẻ.
Những nụ hôn, cái ôm siết chặt của vợ, người thân, đồng đội chiến sĩ trước khi lên máy bay. Trong hình, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn trực tiếp ra sân bay, ôm tạm biệt và dặn dò từng chiến sĩ. |
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi) dựa vai chồng, Trung úy Nguyễn Văn Tám, tay đặt lên bụng, khóc rấm rứt.
Năm 2018, cũng tại Bệnh viện Quân y 175, Trang đến tiễn anh Tám đi Nam Sudan với tư cách người yêu. “Hai nước cách nhau đến 4 tiếng. Tôi thường ngủ lúc 18h, sau đó dậy lúc 0h và gọi điện nói chuyện với anh đến rạng sáng. Chuyện tình lệch múi giờ kéo dài hơn một năm”, Trang kể.
Thuỳ Trang (vợ Trung úy Nguyễn Văn Tám) công tác tại khoa Sản, Bệnh viện Quân y 175. Cô đang mang thai tuần thứ 23. Hai vợ chồng dự định đặt tên con là bé Dâu. |
Sau một năm công tác, anh Tám trở về với chiếc nhẫn cầu hôn. Hai năm sau, chồng nói muốn trở lại châu Phi cùng đồng đội. Trang ủng hộ.
“Tôi đã xác định tâm lý khi chồng là quân nhân thì phải chấp nhận những cuộc chia tay này. Mong anh và đồng đội vững tâm làm nhiệm vụ, gia đình luôn là hậu phương vững chắc”, cô nói.
Ít phút trước khi lên máy bay, con gái của Trung tá Trịnh Mỹ Hòa chạy theo gọi ba. Giám đốc Bệnh viện dã chiến 2.3 ôm chặt hai con gái và nhận nụ hôn từ vợ. Nhiều ngày qua, Trung tá Hòa tập trung lo cho cán bộ bệnh viện, đây là thời gian hiếm hoi mà gia đình anh được gần nhau.
Trung tá Hòa nán lại sau cùng, ôm hôn từng người trong gia đình. |
17h30, máy bay vận tải C-17 cất cánh, đưa Bệnh viện dã chiến 2.3 sang căn cứ mới cách Việt Nam hơn 10.000 km. Khung cảnh những chiến sĩ quân y mỉm cười, vẫy tay chào đồng đội, đồng nghiệp trước khi lên máy bay tựa như những câu hát "Xinh tươi Việt Nam" của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận.
“Rồi mai đây em tung bay bay đến những chân trời xa
Thì hãy luôn ghi trong tim màu da tiếng nói người Việt Nam
Dành tình yêu tặng cho đời, dành tình yêu tặng cho người
Và niềm tin trong em luôn rực cháy
Nụ cười em luôn trên môi cả thế giới sẽ nhận ra
Một Việt Nam luôn hân hoan tràn dâng sức sống qua thời gian
Hãy bay cao tận chân trời, hãy giang tay chào cuộc đời
Và giờ đây tôi vui khi gặp em. Xin chào em”.
Khoảnh khắc chiến sĩ 'mũ nồi xanh' lên đường đến Nam Sudan
Các chiến sĩ "mũ nồi xanh" của Bệnh viện Dã chiến cấp 2, số 3 kịp trao những cái ôm, nụ hôn...tới người thân, đồng đội trước giờ lên đường đến Nam Sudan.
Theo Zing