Tỷ phú 51 tuổi người Mỹ gốc Nam Phi độc chiếm vị trí đứng đầu trong danh sách của Forbes kể từ tháng 9/2021, với khối tài sản ròng 185,7 tỷ USD. Trước đó, người giàu nhất hành tinh là nhà sáng lập nền tảng bán lẻ trực tuyến Amazon - Jeff Bezos.
Sinh ra trong một gia đình khá giả, Musk sớm có năng khiếu với máy tính khi tự thiết kế được trò chơi điện tử riêng vào năm 12 tuổi. Năm 17 tuổi, Musk chuyển tới Canada để trốn đi lính cho chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi và theo học Đại học Queens, bang Ontario. Năm 1992, CEO Tesla chuyển đến Đại học Pennsylvania để theo học chuyên ngành vật lý và kinh doanh.
Tại đây, Musk cùng vài người bạn đã thuê một ngôi nhà bên ngoài khuôn viên trường và biến nó thành một hộp đêm. Tiếp đó, ông được nhận vào chương trình Tiến sĩ tại Đại học Stanford danh tiếng, nhưng bỏ học chỉ sau 2 ngày để theo đuổi làn sóng khởi nghiệp Internet.
Dự án kinh doanh đầu tiên của Musk là Zip2, công ty phần mềm đồng sáng lập với anh trai Kimbal. Đến năm 1999, Musk cùng anh trai đồng ý bán Zip2 cho công ty máy tính Compaq với thương vụ trị giá 307 triệu USD. Cá nhân Musk bỏ túi 22 triệu USD cho số cổ phần của mình.
Với số vốn dắt lưng, Musk thành lập một công ty tài chính trực tuyến có tên X.com, trước khi sáp nhập cùng một startup thanh toán khác là Confinity để trở thành PayPal vào tháng 3/2000. Năm 2002, khi eBay mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ USD, Musk được chia số tiền khổng lồ 180 triệu USD.
Đam mê hàng không vũ trụ khiến Elon Musk đầu tư khoảng 100 triệu USD vào lĩnh vực này. Ông thành lập SpaceX cũng trong năm 2002 với tham vọng chinh phục sao Hoả trong vài thập niên sau đó.
Thế nhưng, Tesla mới là thương vụ đưa tên tuổi Elon Musk lọt vào hàng ngũ giàu nhất thế giới. Vào thời điểm đó, các cell pin lithium-ion chỉ được sử dụng trên các thiết bị điện tử nhỏ và hãng xe điện đã tạo ra cuộc cách mạng khi phát triển loại pin này đủ lớn để trang bị trên một chiếc xe điện có phạm vi hoạt động lớn hơn bất kể chiếc xe điện nào được tạo ra trước đây.
Tầm nhìn của Musk đã đưa Tesla trở thành gã khổng lồ trên sàn chứng khoán với vốn hoá hơn 600 tỷ USD. Trong khi đó, Musk có 20% cổ phần tại công ty xe điện này, và đây là yếu tố giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới đến thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 47% giá trị kể từ khi Musk đề nghị mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter đầu năm nay. Tính đến ngày 8/11, giá trị tài sản ròng của CEO SpaceX cũng đã giảm xuống dưới 200 tỷ USD sau khi nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu hãng xe điện do lo ngại Musk bị phân tâm về thương vụ “Chim xanh”.
Thế Vinh (Tổng hợp)