Việt Nam năm 2045!
Khi đó, tôi gần 70 tuổi, đã nghỉ hưu, có lương hưu và một khoản tiết kiệm để an dưỡng tuổi già, thăm thú đó đây, vui vầy quây quần cùng gia đình, con cháu. Kế hoạch cá nhân này xem ra không quá khó để tôi có thể biến thành hiện thực.
Nhưng nếu đặt mình trong một bối cảnh rộng lớn hơn, với mục tiêu “Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045”, tôi tự hỏi, tôi với tư cách là một người dân Việt Nam, tôi có phải làm gì không, tôi có thể đóng góp gì không để đất nước có thể đạt được mục tiêu này? Ai là người thực hiện, và lộ trình thực hiện mục tiêu này như thế nào?
Khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên mức thu nhập cao vào năm 2045 (tức là khoảng 12.000 USD nếu Ngân hàng thế giới không thay đổi định nghĩa này) thì điều đó có nghĩa là mọi người dân đều có mức thu nhập cao hơn, trong đó có tôi và các con tôi. Nhưng làm thế nào, dựa vào nguồn lực nào để từ nay đến 2045, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 3 lần trong vòng 20 năm, từ hơn 4.000 USD năm 2022 lên hơn 12.000 USD năm 2045? Tôi chưa có câu trả lời chắc chắn. Tôi cũng không biết mọi người đã có câu trả lời chưa.
Nhìn sang các nước đã đạt mức thu nhập cao, trở thành thành viên của Tổ chức OECD, tôi nhận thấy hành trình từ một nước có thu nhập trung bình trở thành nước thu nhập cao của mỗi quốc gia rất khác nhau. Nhật Bản cần 20 năm, từ 1966 đến 1986, Singapore cũng cần 20 năm, từ 1971 đến 1991. Tăng trưởng GDP bình quân của hai nước này trong 20 năm đó duy trì ở mức 7-8%. Hàn Quốc chỉ cần 18 năm, từ 1977 đến 1995, duy trì được mức tăng trưởng GDP bình quân ở mức 9%.
Trong khi đó, một số quốc gia khác, như Malaysia có xuất phát điểm cùng Hàn Quốc nhưng đến nay, sau hơn 40 năm mới đang ngấp nghé mức thu nhập cao, tăng trưởng bình quân trong suốt giai đoạn đạt khoảng 6%/năm. Thái Lan, Indonesia, hay Philippines cũng đã trở thành nước có thu nhập trung bình gần 30-40 năm nay, nhưng đến nay GDP bình quân đầu người vẫn chưa có dấu hiệu có thể trở thành nước có thu nhập cao.
Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2008, gần 20 năm trôi qua nhưng GDP bình quân đầu người vẫn còn khá xa mức thu nhập cao, nên khó có thể nói Việt Nam đang đi trên con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã đi qua.
Trong 20 năm tới, liệu Việt Nam có thể bứt phá, tạo ra một lối đi riêng để tránh “bẫy thu nhập trung bình” vượt lên trên các nước trong khu vực trở thành nước có thu nhập cao hay không? Với tôi, đây giống như một bài toán có quá nhiều ẩn số, không dễ tìm ra lời giải.
Sức mạnh, hay năng lực cạnh tranh, của một quốc gia được tạo nên từ nội lực của mỗi doanh nghiệp trong nước, và mỗi doanh nghiệp lại phụ thuộc vào năng suất của người lao động làm việc tại doanh nghiệp đó. Quá trình đi từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao của một quốc gia cũng chính là quá trình trưởng thành, lớn mạnh bền vững của mỗi doanh nghiệp trong nước.
Hơn 20 năm đồng hành cùng doanh nghiệp qua các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của chính phủ, các cơ quan tổ chức phát triển, chứng kiến sự trì trệ, lệch lạc trong suy nghĩ, tư tưởng của không ít lãnh đạo doanh nghiệp khiến tôi cảm thấy bế tắc, chán nản. Nhưng khi gặp và chứng kiến sự lớn mạnh của một cộng đồng doanh nghiệp tử tế, tôi như nhìn thấy nguồn ánh sáng cuối đường hầm.
Cộng đồng này gồm những doanh nghiệp mong muốn tạo dựng cuộc sống giàu sang, khỏe mạnh, hạnh phúc, và cống hiến cho xã hội, phát triển bền vững. Những ngôn từ, lời lẽ này mới đầu nghe có vẻ giáo điều, hô khẩu hiệu, nhưng khi chứng kiến hoạt động của các doanh nghiệp này trong cộng đồng Keieijuku Việt Nam, gặp gỡ các chủ doanh nghiệp thế hệ F0, F1 mới thấy những tham vọng họ đưa ra là thực tế và khả thi. Con đường mà các chủ doanh nghiệp đang cùng nhau đi và đang hướng tới là có thật, không đao to búa lớn, không giáo điều, không sáo rỗng.
"Họ là những doanh nhân, nhà quản lý đã tham gia học các khoá đào tạo về quản trị doanh nghiệp theo phong cách Nhật Bản do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC) tổ chức từ năm 2009. Đến nay cộng đồng đã quy tụ được hơn 700 lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp trên toàn quốc. Và dự kiến đến năm 2024 thì con số đó lên đến 1000 thành viên. Họ hợp tác cùng nhau để tạo ra giá trị gia tăng cho từng doanh nghiệp thành viên thông qua hoạt động đào tạo, tư vấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối và cộng hưởng sức mạnh để tạo ra cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh chung tay dựng xây đất nước".
Lộ trình thành công của các doanh nghiệp thành viên xuất phát từ học tập, trải nghiệm và tiếp nhận sự chia sẻ, hỗ trợ từ các thành viên “trưởng thành hơn” để có thể tự hoàn thiện bản thân và gặt hái thành công trong thực hành kaizen, và cuối cùng là chia sẻ và đóng góp cho cộng đồng.
Mỗi doanh nghiệp thành viên của cộng đồng Keieijuku có một quá trình trưởng thành dài ngắn khác nhau, nhưng họ có điểm chung đó là hướng đến mô hình “doanh nghiệp tử tế”, nơi không phải là nhà nhưng người lao động vẫn cảm thấy thân thuộc, gắn bó và mong muốn đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Triết lý quản trị doanh nghiệp này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển bền vững ngày nay.
Tất nhiên, cộng đồng Keieijuku không phải là Nữ Oa để có thể gánh vác trọng trách đưa đất nước trở thành nước thu nhập cao trong 20 năm tới như mục tiêu đã đặt ra, con số 500 là quá nhỏ bé so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế.
Nhưng nếu như ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hay cộng đồng doanh nghiệp đi theo con đường mà các doanh nghiệp thành viên cộng đồng Keieijuku đang đi, bất kể họ có là thành viên của cộng đồng này hay không, thì tôi tin là hành trình Việt Nam- hành trình của khát vọng hùng cường, hành trình trở thành nước có thu nhập cao, đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ trở nên bớt gập ghềnh hơn.
Và tôi cùng các đồng nghiệp của tôi khi đó chắc cũng sẽ hài lòng vì những nỗ lực của chúng tôi bỏ ra đã không uổng phí.
Nguyễn Thị Xuân Thúy (Chuyên gia nghiên cứu về công nghiệp)