Ngày 14/7, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết vừa tiếp nhận một ca bệnh đặc biệt khiến chị “mất ăn mất ngủ”.
Theo đó, bệnh nhân là một phụ nữ 36 tuổi bị hóc dị vật. Tai nạn xảy ra khi người này ăn hồng xiêm (quả sapoche) bằng thìa, bị sặc và khó thở ngay sau khi nuốt. Khi đến một bệnh viện khám, bệnh nhân được chụp CT scan ngực, xác định hạt hồng xiêm đã rơi vào phổi phải.
Ngày hôm sau, chị được tiến hành gắp dị vật bằng ống cứng nhưng không thành công. Dị vật chui sâu xuống một nhánh phế quản nhỏ tận đáy phổi phải, rách thực quản.
Dị vật trong phổi bệnh nhân (ảnh trái) được mô tả giống hình ảnh "cá voi sát thủ" (Ảnh phải/Shutterstock).
Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào ngày 5/7. Theo bác sĩ Thanh, lúc này bệnh nhân đã bị viêm trung thất, nhiễm trùng khá nặng. Mặc dù tiến hành nội soi cấp cứu ngay nhưng bác sĩ cũng “bó tay” vì giả mạc chôn vùi hoàn toàn hạt hồng xiêm, áp xe đông đặc sau dị vật.
Bác sĩ Thanh chỉ định bệnh nhân sử dụng 10 ngày thuốc kháng sinh, kháng viêm để giải quyết tình trạng nhiễm trùng. Đến chiều 14/7, bệnh nhân được thực hiện nội soi qua đường mũi để gắp hạt hồng xiêm ở phế quản phải. Trước khi thực hiện, bác sĩ đã gặp người nhà bệnh nhân để giải thích trước nguy cơ thất bại khá cao khi gắp dị vật đặc biệt này.
Quá trình thực hiện thủ thuật, bác sĩ quan sát thấy hình ảnh dị vật giống như đầu của "cá voi sát thủ". Ghi nhận có nhiều đàm mủ ở các lỗ phế quản phải. Bên cạnh đó, hạt hồng xiêm rất trơn nên thao tác gắp khó khăn. Tuy nhiên, dị vật đã được gắp thành công sau 10 ngày bác sĩ và người bệnh đều căng thẳng.
Theo bác sĩ Thanh, bệnh viện vẫn tiếp nhận nhiều ca hóc dị vật. Thông thường, dị vật gây tắc nghẽn đường thở sẽ được phát hiện sớm, còn dị vật không gây tắc nghẽn sẽ âm thầm bị bỏ quên. Để hạn chế tai nạn hóc sặc dị vật, mỗi người cần hạn chế cười nói, đùa giỡn trong quá trình ăn uống. Các món ăn có nguy cơ gây hóc cần được chế biến và xử lý kỹ lưỡng, cẩn thận.