Tăng so với cùng kỳ 

Thông tin tại Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam 2021 diễn ra ngày 8-9/9, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất khác biệt để tạo ra được những sản phẩm nông sản gồm các loại gia vị và hương liệu có hương vị rất đặc trưng khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Ông Tài cũng đánh giá, trong số các loại gia vị của Việt Nam, hạt tiêu là loại gia vị đã rất nổi tiếng trên thị trường thế giới và chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành hàng khác thì xuất khẩu hạt tiêu vẫn tiếp tục giữ ổn định.

Theo ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 34 nghìn tấn, trị giá 120 triệu USD, tăng 21,6% về lượng và tăng 25,2% về trị giá so với tháng 5/2021, so với tháng 6/2020 tăng 68,5% về lượng và tăng 156,9% về trị giá. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 155 nghìn tấn, trị giá 500 triệu USD, giảm 6,7% về lượng, nhưng tăng 40,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ khá thuận lợi do nhu cầu từ phía đối tác tăng. Giá hạt tiêu có xu hướng tăng do nguồn cung khan hiếm. 

{keywords}
Hạt tiêu Việt Nam được nhiều thị trường quốc tế đánh giá cao

Sản lượng vụ mùa hạt tiêu năm nay của Việt Nam giảm gần 30%, trong khi tình trạng thiếu container rỗng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu khiến hàng đến chậm, gây nên tình trạng thiếu hụt cục bộ. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt xấp xỉ 28 nghìn tấn, trị giá 95,88 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với tháng 4/2021; so với tháng 5/2020 giảm 6,7% về lượng nhưng tăng 58,9% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 121,34 nghìn tấn, trị giá 379,57 triệu USD, giảm 17,1% về lượng, nhưng tăng 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 3.529 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 5/2021 và tăng 52,5% so với tháng 6/2020. Tính chung nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu ước đạt 3.216 USD/tấn, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 5/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ghi nhận ở mức cao 3.429 USD/tấn, tăng 5,0% so với tháng 4/2021 và tăng 70,3% so với tháng 5/2020.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.128 USD/tấn, tăng 48,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang một số thị trường đạt mức cao, như: Thái Lan đạt 4.005 USD/tấn; Đức đạt 3.928 USD/tấn; Hà Lan đạt 3.791 USD/tấn.

Nâng cao chất lượng

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu có hướng phát triển đúng và đảm bảo tính bền vững. Do đó, để phát triển bền vững cây hồ tiêu trước tiên phải quy hoạch vùng trồng và sản xuất nguyên liệu. Tập trung vào vùng trồng có lợi thế cho cây hồ tiêu phát triển, giảm diện tích hồ tiêu ở những nơi không phù hợp. Từ đó làm cơ sở để quy hoạch mạng lưới sản xuất và chế biến. Có cơ chế thích hợp bảo đảm sự gắn bó chặt chẽ giữa chế biến nông sản và sản xuất nguyên liệu, bảo đảm nền tảng vững chắc cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng hồ tiêu, từ đó nâng cao được giá hồ tiêu xuất khẩu. Giá hồ tiêu phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt, nên để nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Tập trung vào vùng nguyên liệu, chặt bỏ cây già cỗi cho năng suất thấp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết, tập trung chăm sóc cây cho năng suất và chất lượng cao.

Ngành nông nghiệp phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái. Hồ tiêu đảm bảo thu hoạch đúng thời điểm khi tiêu chín đều. Công tác bảo quản sau thu hoạch được đảm bảo để hồ tiêu không bị tổn thất, giữ được chất lượng tốt.

Để hồ tiêu được giá, tránh cung vượt cầu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu phải đa dạng sản phẩm tiêu chế biến. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch là hướng đi tất yếu để phát triển cây hồ tiêu bền vững ở Việt Nam.

Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam khoảng 25-30 triệu USD/năm. Để gia vị, hương liệu của Việt Nam xuất khẩu thành công sang Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm, ví dụ nhiều loại nguyên liệu gia vị trộn thành 1 loại gia vị với hương vị đặc trưng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu hương vị của các nước để làm ra sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của thị trường này, tạo sự cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác…

Đối với thị trường châu Âu, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V Hà Lan chia sẻ, để gia vị Việt thâm nhập vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ thị trường khối này. Nếu các công ty chưa có phòng nghiên cứu thị trường thì có thể tham gia hội chợ như Anuga của Đức để quảng bá sản phẩm, tham khảo thông tin trên trang website của các hiệp hội, ngành nghề châu Âu.

Quốc Huy